Công tác thông tin đối ngoại phải theo phương châm chủ động, mở đường
Chiều 11/10, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai nội dung Kết luận số 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu tại tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết và đại diện các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 16 về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020. Đến ngày 15/6/2023, trong Kết luận số 57, Bộ Chính trị khẳng định, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 16 đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu về cục diện thế giới và khu vực, những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Thứ trưởng cho biết, cạnh tranh nước lớn đã khiến chiến tranh thông tin trở thành một xu thế ngày càng nổi bật, các nước đều tăng cường sử dụng truyền thông mạng xã hội, truyền thông bán chính thức bên cạnh truyền thông chính thống.
Thông tin, tuyên truyền được sử dụng như một mặt trận song song với các hoạt động chính trị - ngoại giao - pháp lý hay trên thực địa.
Thứ trưởng cho biết, công nghệ truyền thông phát triển ngày càng nhanh, thay đổi liên tục, khiến các đặc điểm truyền thông quốc tế liên tục biến đổi.
Vào thời điểm Kết luận 16 ra đời, mạng xã hội mới manh nha phát triển, hình thức truyền thông hiện đại nhất vẫn là báo điện tử, blog; ngày nay Facebook, Twitter đã trở thành những kênh thông tin chủ đạo, cùng với đó là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các thuật toán của nền tảng mạng xã hội áp đặt cách người dùng nhìn thế giới và khiến người dùng có xu hướng tin và bị dẫn dụ bởi những thông tin tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Từ đây, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, thông tin đối ngoại cần đi trước, đón đầu các xu thế truyền thông, nhanh chóng ứng dụng, triển khai công nghệ mới, không để thông tin đối ngoại bị “lạc hậu”, dẫn tới mất mặt trận tuyên truyền, xuất hiện các “lỗ hổng”.
Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thông tin đối ngoại là một phần của truyền thông chính sách, mới đây Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về tăng cường truyền thông chính sách. Để làm tốt công tác truyền thông chính sách nói chung trong đó có thông tin đối ngoại thì đổi mới nhận thức, cách làm.
Quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại “muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được mà muốn nhìn thấy được phải có tiêu chí, có công cụ, phương pháp đo lường, đánh giá”. Thời đại công nghệ số đã cho những công cụ chưa từng có để làm tốt công tác này.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm thông tin, hiện nay có 256 cơ quan báo chí đang xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng nước ngoài, tuy nhiên kết quả xem, theo dõi báo chí đối ngoại rất thấp. Bộ TT&TT “đo đếm” được lượng truy cập 70% đến chủ yếu từ trong nước. Người nước ngoài tiếp cận thông tin về Việt Nam qua báo chí ít mà chủ yếu qua kênh truyền thông khác.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, cần tổ chức, tập hợp lại lực lượng báo chí tham gia công tác thông tin đối ngoại. “Thông tin tuyên truyền đối ngoại được xác định là nhiệm vụ quan trọng do đó cần thống nhất quan điểm: Nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm dành nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất để phát triển một số lực lượng làm thông tin đối ngoại chủ lực, hiệu quả trong đó có hệ thống báo chí đối ngoại quốc gia và hệ thống văn phòng thường trú ở nước ngoài. Cần chấm dứt tình trạng báo chí phải bỏ nguồn lực tự chủ đang rất khó khăn, eo hẹp để làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu đề xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thông tin đối ngoại là nội dung quan trọng được Đảng đặc biệt quan tâm, cho nên phải tạo ra giải pháp mới để góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh rằng “hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023″.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023 khi được dư luận thế giới quan tâm, “chúng ta gác lại quá khứ và phải vượt qua những khác biệt, phải phát huy đồng thuận để cùng nhau hướng đến tương lai”. Quan hệ Việt - Mỹ dựa trên nền tảng tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn chứng để thấy được vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đây là kết quả chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của lực lượng làm công tác đối ngoại.
Theo ông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay công tác thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới về tư duy và cách nghĩ, cách làm, hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thẳng thắn nhìn nhận bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến, cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức chưa có cái tiền lệ. Thực tiễn đó đòi hỏi thông tin đối ngoại với vai trò tiên phong cần không ngừng đổi mới, hoàn thiện trên tất cả phương diện. Công tác thông tin đối ngoại phải “nỗ lực phấn đấu theo phương châm chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả và phải mở đường đi trước, có tính dự báo cao”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, cần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế…Đồng thời phải tăng cường nguồn lực dành cho cơ quan trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại.
Kiên định và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về đối ngoại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ để biết mình, biết người”, hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn…
Phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của thế lực thù địch; kiên quyết khắc phục tình trạng cơ quan báo chí, mạng xã hội trong nước đăng tải thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh “viết gì, nói gì chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất”.
Nguồn từ các báo
Các tin bài khác
- » Trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Bùi Tiến Thành
- » Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ NHCSXHTW, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- » Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị
- » Hội nghị BCH Đảng bộ NHCSXHTW lần thứ 17
- » Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương quán triệt cuốn sách về phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư
- » Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- » NHCSXH huyện Quan Hóa tích cực học tập và làm theo gương Bác
- » Đảng bộ NHCSXHTW hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2022
- » Đảng bộ NHCSXH TP Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách
- » Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6