Dấu ấn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách ở Thanh Hóa
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 43 ngày 14/1/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH với nhiệm vụ là thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn lực phục vụ hoạt động tín dụng chính sách. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, cấp uỷ, chính quyền các cấp, chi nhánh đã nhanh chóng hoàn thành việc nhận bàn giao dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 388 tỷ đồng; chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Kho bạc Nhà nước gần 47 tỷ đồng và chương trình cho vay HSSV từ Ngân hàng Công thương là 2,4 tỷ đồng. Trong 3 năm đầu thành lập, chi nhánh đã nhận được nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang hơn 37,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trải qua từng giai đoạn nỗ lực phát triển, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp gồm 851 thành viên là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện; bộ máy điều hành tác nghiệp là 365 cán bộ, người lao động làm việc tại Hội sở tỉnh, 26 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện luôn tâm huyết, trách nhiệm đồng hành với đối tượng thụ hưởng, không quản ngại khó khăn, luôn “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Thực hiện phương thức quản lý có sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả; giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Đến 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 11.766 tỷ đồng tỷ đồng, chiếm gần 99% trên tổng dư nợ của chi nhánh.
Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Cụ thể, chính quyền các cấp đã hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc và nguồn vốn; chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ tại các xã, phường, thị trấn; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình điển hình làm kinh tế từ vốn chính sách.
Với phương thức “Giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 6.610 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, tổ dân phố trong tỉnh; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 559 Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn. Các Tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo riêng có của NHCSXH, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn NHCSXH ngoài được hưởng ưu đãi về lãi suất, còn được hưởng ưu đãi về phục vụ.
Ðồng vốn phát huy hiệu quả
Trong 20 năm qua, chi nhánh NHCSXH Thanh Hóa đã giải ngân cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, chi nhánh đã triển khai thực hiện 22 chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Thanh Hóa đã góp phần giúp trên 321 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 91 nghìn lao động được tạo việc làm từ Qũy quốc gia về việc làm; hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn; giúp hơn 448,3 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 637 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hơn 40,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có gần 2,6 nghìn căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; hơn 01 ngàn căn nhà ở xã hội; 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 841 người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…
Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đến 31/8/2022 đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng hơn 11.461 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 130,7%, với hơn 246 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt hơn 1.308 tỷ đồng với hơn 23,6 nghìn hộ còn dư nợ; dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo đạt hơn 3.228 tỷ đồng với gần 55,6 nghìn hộ còn dư nợ; dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đạt hơn 2.281 tỷ đồng với 39 nghìn hộ còn dư nợ;…
Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đang tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, chi nhánh đã giải ngân hỗ trợ vốn ưu đãi cho 77 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; 261 khách hàng vay vốn mua, xây nhà ở xã hội; 1.986 người được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 4.334 HSSV được tiếp cận với nguồn vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, với dư nợ đạt 38,4 tỷ đồng…
Gia đình chị Vi Thị Thuận ở thôn Lâu Quán, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Chị Thuận cho biết, năm 2018, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn tuyên truyền, chị đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Như Xuân để nuôi trâu và trồng rừng. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, đến nay, gia đình chị luôn duy trì đàn trâu 5 con và trồng gần 2ha rừng luồng, trừ chi phí gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Năm 2021, gia đình chị thoát nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền khẳng định: Đạt kết quả trên, thời gian qua, chi nhánh luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chính quyền các cấp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ngân hàng hoạt động ngày càng hiệu quả. Đồng thời, có sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ chi nhánh và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn
Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, chi nhánh đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh. Ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, nhất là nguồn vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mặt khác, chỉ đạo NHCSXH cấp huyện chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn.
20 năm thực hiện Nghị định 78, chi nhánh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh. NHCSXH không trao “con cá” mà đã trao “cần câu” để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Thi cho biết: Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đến tất cả cán bộ của cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội và quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH trên địa bàn tỉnh hoạt động thuận lợi.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần cải thiện, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn.
Bài và ảnh Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Hỗ trợ người dân vùng bãi ngang và hải đảo thoát nghèo (VTV1 - 18h00 - 18.9.2022)
- » Trên 680 nghìn lượt hộ nghèo Quảng Ngãi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Sơn La hỗ trợ hơn 100 nghìn lượt hộ thoát nghèo (VTV1 - 11h00 - 17.9.2022)
- » Lào Cai hỗ trợ gần 112 nghìn lượt hộ thoát nghèo (VTV1 - 18h00 - 17.9.2022)
- » Tín dụng chính sách giúp người nghèo Sơn La thoát nghèo bền vững
- » 20 năm qua Quảng Ninh có 74 nghìn lượt hộ thoát nghèo
- » Tỉnh Hà Nam có 417 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Hơn 138 nghìn hộ ở Trà Vinh thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách