Xuân này người nghèo ở Quảng Bình vui hơn
Đến hết năm 2015, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Quảng đạt gần 2.320 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,16%. Dư nợ tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo 720 tỷ đồng, hộ cận nghèo 480 tỷ đồng, NS&VSMTNT đạt gần 440 tỷ đồng,… Tính riêng trong 3 năm trở lại đây, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gần 30 nghìn hộ trên địa bàn thoát nghèo, xây dựng được trên 90 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 774 ngôi nhà phòng tránh bão lụt…
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua đơn vị luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của HĐQT và Tổng Giám đốc NHCSXH. Trong hoạt động, chi nhánh luôn coi trọng và chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt việc thu nợ, góp phần đáng kể trong việc tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Mặt khác, giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể đến các đơn vị trực thuộc và từng cán bộ tín dụng; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện công tác tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay trả nợ quá hạn, thu nợ, thu lãi đến hạn. Đặc biệt, công tác tín dụng vốn ưu đãi được gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế như chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn cho vay của ngân hàng, hàng nghìn hộ gia đình đã thay đổi hẳn cách làm ăn, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao thu nhập. Điển hình có gia đình ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi. Ban đầu ông chỉ mua ít cây con và con giống về trồng và nuôi nhằm cải thiện phần nào thu nhập kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi,trang trại nhỏ bé của ông Bình dần được phát triển và mở rộng. Hiện trang trại của gia đình ông Bình đang nuôi gà, lợn, bò và cả chim bồ câu. Mỗi năm trừ chi phí thu nhập tới cả trăm triệu đồng.
Hay gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cũng vay từ chương trình tín dụng NS&VSMTNT 12 triệu đồng và hộ cận nghèo 20 triệu đồng. Chị đầu tư vào chế biến thủy sản như mắm, ruốc, cá khô… trừ chi phí mỗi năm gia đình chị cũng thu nhập được gần 200 triệu đồng.
“Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đang thiếu nguồn vốn thì ngân hàng phải ưu tiên hàng đầu để bà con có vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình”, lãnh đạo NHCSXH tỉnh nhấn mạnh.
Với những kết quả đã đạt được và mục tiêu phát triển trong tương lai, NHCSXH hứa hẹn góp phần giúp các hộ dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, đón Tết đầm ấm hơn. Niềm vui của hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng chính là động lực để cán bộ, viên chức trong toàn đơn vị tiếp tục nỗ lực chuyển tải nguồn vốn chính sách một cách kịp thời, hiệu quả nhất.
Bài và ảnh Phương Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn ưu đãi về với rừng xanh
- » Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên tối đa 1,25 triệu đồng/tháng
- » Cuộc sống tươi vui ở vùng kinh tế mới Tây Nguyên
- » Nâng cao chất lượng cuộc sống vùng cao biên giới
- » Tăng việc làm và giảm nghèo bền vững
- » Thêm sắc Xuân trên vùng biên thùy
- » Hành trình đưa vốn chính sách đến vùng khó ở Kon Tum
- » Một vốn 4 lời
- » Vốn chính sách “khơi nguồn” nước sạch
- » Đổi thay trên vùng Đất Đỏ