Xây nhà, tậu trâu… từ vốn nhỏ
Tân Uyên là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn chiếm tới hơn 50%. NHCSXH huyện Tân Uyên đang cho bà con trong huyện vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi.
Có nhà, có trâu
Xã Trung Đồng có dân số hầu hết là đồng bào dân tộc Thái. Cả xã có 1.168 hộ sinh sống rải rác ở 21 thôn, bản, trong đó: số hộ nghèo là 594 hộ. Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ thêm nghị lực, ý chí để vượt nghèo, cải thiện cuộc sống.
Tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Tân Uyên năm 2012 đạt hơn 111,1 tỷ đồng với hơn 5.800 hộ đang vay. |
Vợ chồng anh chị Lò Thị Hường, Tòng Văn Dung ở bản Bút Dưới, xã Trung Đồng là một trong những hộ cảm nhận rõ nhất sự nâng đỡ của các chương trình tín dụng chính sách. Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Hường được làm từ Chương trình 167 (hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở), trong đó: NHCSXH cho vay ưu đãi dài hạn 8 triệu đồng. “Không chỉ có căn nhà, vợ chồng em còn tậu được 2 con trâu. Con thứ nhất mua từ hồi nó còn là nghé với 5 triệu đồng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay, còn con thứ 2 mua từ nguồn 15 triệu đồng tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Có trâu cày kéo, không phải thuê ngoài, hơn nữa một con trâu đã đẻ được 2 lứa, vợ chồng em bán bớt 1 con được 12 triệu đồng” - chị Hường kể.
Cùng bản với chị Hường, vợ chồng anh Hoàng Văn Pâng đã thay căn nhà lá rách nát bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang nhờ chương trình cho vay làm nhà ở. Trong chuồng nhà anh Pâng còn có cặp trâu nái tậu được từ 5 triệu đồng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cách đây hơn 4 năm.
Anh Tòng Hải Phòng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bút Dưới cho biết, hiện nay tổ đang có tổng dư nợ hơn 808 triệu đồng với 47 thành viên đang vay. Sự tác động của nguồn vốn ưu đãi đối với các hộ thành viên không chỉ là ở một chương trình tín dụng ưu đãi mà tổng hợp từ nhiều chương trình khác nhau, rõ nét nhất là chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay làm nhà ở. Cho vay làm nhà ở tạo cho đồng bào có mái ấm an cư, cho vay hộ nghèo tạo gia sản để hộ nghèo vượt khó…
Trèo núi, vượt hồ đưa vốn về bản
NHCSXH huyện Tân Uyên thành lập tháng 10/2010 nhưng chính thức bắt đầu đi vào hoạt động độc lập từ tháng 7/2011. Trong bối cảnh trụ sở làm việc còn phải đi thuê, địa bàn hoạt động rộng, cách trở, cán bộ NHCSXH phải căng ra làm việc để đáp ứng tiến độ công việc, kịp thời chuyển vốn đến với đồng bào…
Anh Nguyễn Văn Cương - Giám đốc NHCSXH huyện Tân Uyên cho biết, toàn huyện chỉ có 10 xã, thị trấn, nhưng để đến xã xa nhất để giao dịch, cán bộ ngân hàng phải vượt hơn 50km đường đồi núi.
“Cuối năm ngoái, ngày 27 và 28 tết, NHCSXH phải đi vào xã Nậm Sỏ giao dịch. Dốc gần như thẳng đứng, xe ô tô leo lên đến lưng chừng thì bị tụt xuống. Cả đoàn 3 người đi giao dịch phải một phen hú hồn, may mà không ai việc gì. Gặp nhiều sự cố và khó khăn như thế, nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ giao dịch tại xã. Ở vùng cao, làm việc đúng hẹn, đúng kế hoạch thì cán bộ cơ sở, đồng bào mới tin, mới ủng hộ…” - anh Cương chia sẻ.
Đông Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp vốn cho người mù
- » Để chính sách tín dụng học sinh, sinh viên đạt hiệu quả
- » Mùa xuân trên quê mới Bến Cừ
- » Chuyển dịch nuôi trồng thủy sản ở Thới Bình
- » NHCSXH tỉnh Long An hết mình vì "quốc sách hàng đầu"
- » Nước sạch về vùng sâu Tây Nguyên
- » Đồng vốn khuyến học ở Tân Tiến
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ năm 2013
- » Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Quảng Bình họp phiên thường kỳ lần thứ I năm 2013
- » Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2013