Giúp vốn cho người mù

16/01/2013
(VBSP) Sau 3 năm triển khai, chương trình hỗ trợ người mù vay vốn sản xuất tại một số địa phương đã đem lại những tín hiệu tích cực, góp phần không nhỏ giúp người mù vươn lên trong cuộc sống.
Untitled-1.jpg15.1.600

Những lúc con gái vắng nhà, bà Huỳnh Thị Nga vẫn mò mẫm chăm đàn heo

Từ năm 2010, Hội Người mù tỉnh Bình Định đã phối hợp Hội Người mù Việt Nam và chi nhánh NHCSXH tỉnh tổ chức chương trình cho các hội viên vay vốn sản xuất. Đến nay, đã có 44 hội viên được vay vốn.

Vận động… vay  

Năm 2010, 10 hội viên đầu tiên được vay vốn với tổng số tiền 50 triệu đồng. Năm tiếp theo, số hội viên được vay vốn đã tăng lên 15 hộ, 100 triệu đồng. Năm 2012, có 19 hội viên đăng ký vay 150 triệu đồng. Ở hai đợt đầu, số hộ vay vốn chỉ tập trung ở thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, đến đợt thứ 3 đã mở rộng ra thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn.

Nhiều người mù chia sẻ rằng, nhận tiền vay xong họ chẳng dám đầu tư vào việc gì vì cứ sợ lỗ, không có khả năng hoàn vốn trong thời hạn một năm. Để hoạt động cho vay vốn được tiến hành thuận lợi, các thành viên trong Ban chấp hành Hội Người mù tỉnh đã tìm đến từng nhà, động viên người khiếm thị và gia đình tham gia vay vốn để cải thiện đời sống gia đình. Nhiều người mù sau khi cùng trao đổi, bàn bạc với cán bộ hội đã đăng ký vay vốn đầu tư chăn nuôi, đan lát, mua bán…

Ông Huỳnh Bá Tuyết - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Phần lớn người mù đều là người chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, do khiếm khuyết của bản thân, năng suất lao động thường không cao nên không ít người còn hoang mang, e ngại khi tiếp cận nguồn vốn. Thông qua chương trình vay vốn này, chúng tôi muốn thể hiện sự quan tâm, động viên đến các hội viên, giúp họ tự tin, mạnh dạn hòa nhập, vươn lên khẳng định mình”.

Phát huy hiệu quả  

Ở huyện Tuy Phước, nơi có số người mù vay vốn nhiều nhất (11 người) trong năm 2012, từ tổng số vốn vay 80 triệu đồng đã sinh lời 37 triệu đồng. Chương trình vay vốn không chỉ có tác động lớn đến đời sống kinh tế của người mù, mà còn mang giá trị cao về mặt tinh thần.

Ông Nguyễn Chạy, 48 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước đã mạnh dạn vay vốn từ năm 2010. Vốn siêng năng, cả hai vợ chồng ông mấy chục năm qua đã tảo tần mưu sinh chăm lo cho 4 người con. 5 triệu đồng tiền vay đầu tiên của hội vào năm 2010 được ông gộp với số tiền tích góp bấy lâu đầu tư nuôi bò. Đến nay, trong chuồng bò nhà ông đã có 6 con. Trong năm 2012, ông đã hoàn được 10 triệu đồng tiền vay cho hội và thu lời 10 triệu đồng. Vui, phấn khởi vì đã có đồng ra đồng vào, vợ chồng ông Chạy quyết định sẽ tiếp tục vay thêm để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2011, bà Huỳnh Thị Nga ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước cũng được vay 5 triệu đồng để nuôi gà. Sau một năm, bà đã có thể hoàn vốn cho hội và thu về 3 triệu đồng. Năm ngoái, bà lại vay thêm của hội 10 triệu đồng để đầu tư nuôi heo. Vừa loay hoay xách nước phụ con gái tắm heo, bà hồ hởi: “Từ ngày được vay vốn, tôi không đi bắt ốc, bắt cua để bán nữa. Con gái tôi cũng không đi làm mướn xa nhà mà ở nhà “tăng gia” cùng tôi, nhà cửa vì thế mà đông vui hơn. Trước đây, chúng tôi rất muốn vay tiền để làm ăn, nhưng rất ngại vì sợ làm ăn không được, mất vốn. Nhờ có sự quan tâm của hội mà mẹ con tôi có số vốn nho nhỏ để làm ăn”.

Vòng theo con đường đất nhỏ, giữa những cánh đồng xanh mướt vùng ngoại ô thành phố Quy Nhơn, tôi ghé nhà ông Nguyễn Đình Giáo, 50 tuổi, ở khu vực 1, phường Nhơn Phú. Ông Giáo vừa hoàn trả số tiền 5 triệu đồng cho hội và thu về gần 2 triệu đồng từ việc nuôi gà. Người đàn ông gầy gò, bị mù bẩm sinh này đang sống với người mẹ 85 tuổi, người vợ mắc bệnh tâm thần và cô con gái 14 tuổi. Ông Giáo chia sẻ: “Được vay vốn với lãi suất thấp là niềm vui lớn với người mù chúng tôi khi thấy mình còn được cộng đồng quan tâm, tạo điều kiện”.

Nguyễn Muội

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác