Vốn chính sách giúp miền rẻo cao thoát nghèo nhanh

13/11/2014
(VBSP News) Cùng với Pác Nặm, Ba Bể là huyện miền núi cao nghèo nhất tỉnh Bắc Kạn, nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, trừ thị trấn huyện còn cả 15 xã nơi đây đều thuộc khu vực III, và tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn địa bàn đến thời điểm năm 2010 vẫn còn 30,7% trong đó tại các thôn, bản có đông dân tộc Mông, Dao sinh sống thì tỷ lệ cao hơn nhiều, đến 50,2%. Chính vì vậy, việc triển khai cho vay vốn ưu đãi ở một huyện đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề không đơn giản đối với NHCSXH.
Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Ba Bể là động lực giúp bà con chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Ba Bể là động lực giúp bà con chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, 10 cán bộ nhân viên NHCSXH huyện Ba Bể đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện nguồn vốn ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tính đến 31/10/2014, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Ba Bể đạt trên 180 tỷ đồng với hàng chục nghìn lượt khách hàng còn dư nợ, kể cả hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay gần 2 tỷ đồng không tính lãi và lãi suất có 0,1%/tháng theo các Quyết định 32/2007 và 54/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Đạt được kết quả trên có phần đóng góp đáng kể của NHCSXH huyện trong quá trình thực hiện Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững cùng những chủ trương chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Thực tế trong thời gian qua, NHCSXH huyện Ba Bể đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương, phân bổ nguồn vốn, đồng thời tổ chức giải ngân kịp thời, thuận lợi đến các xã vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc xây dựng mạng lưới giao dịch phủ kín các xã, thị trấn và đảm bảo 3 đúng trong công tác giao dịch với khách hàng (giao vốn đúng đối tượng, đúng ngày quy định và đúng địa bàn dân cư), NHCSXH miền núi cao Ba Bể đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Ban giảm nghèo cơ sở và các tổ chức hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác tập trung củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thành mạng lưới chân rết của NHCSXH và lựa chọn được những Tổ trưởng Tổ TK&VV có tinh thần trách nhiệm, khả năng làm nhiệm vụ giám sát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn vay chính sách.

Đơn cử về với Tổ TK&VV thôn Nà Mon, một trong 5 Tổ TK&VV do Hội Nông dân xã Quảng Khê quản lý, thời gian qua đã có 47 thành viên trong trong tổ, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng được vay vốn ưu đãi thuận lợi. Mỗi khi NHCSXH huyện và chính quyền địa phương thông báo có nguồn vốn về, bà con trong tổ đã đến họp đông đủ, bình xét sôi nổi, công khai, công bằng cho từng đối tượng được vay. Sau mỗi đợt giải ngân, trực tiếp Tổ trưởng Tổ TK&VV còn luôn nhắc nhở, giúp đỡ, hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay sao cho đúng mục đích, đạt hiệu quả. Với hơn 1 tỷ đồng vay của NHCSXH huyện Ba Bể, các thành viên trong Tổ TK&VV thôn Nà Mon chủ động mua trâu sinh sản, bò kéo về nuôi bởi đồng đất nơi đây hợp với loại vật nuôi này. Ông Triệu Đức Canh, Tổ trưởng Tổ TK&VV cho biết, nhờ đồng vốn ưu đãi làm “bà đỡ” mát tay, thôn Nà Mon đã phát triển đàn trâu, bò lên hơn 100 con. Một số thành viên trong Tổ TK&VV như anh Nông Quốc Tuyền, Triệu Văn Hoạt, bà Nông Thị Hoa… sử dụng vốn vay của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi trâu, bò sinh sản, sau 2 năm đã có lãi từ 30 - 40 triệu đồng, vừa thoát nghèo, lại sớm hoàn trả vốn vay cho ngân hàng.

Hiện tại các chương trình tín dụng ưu đãi ở vùng cao Ba Bể được thực hiện với những thủ tục đơn giản, dễ hiểu, hộ vay vốn chỉ cần gửi đơn xin vay vốn theo mẫu in sẵn kèm theo Chứng minh thư nhân dân gửi đến Tổ TK&VV để được bình xét công khai, dân chủ. Sau khi được Ban giảm nghèo của xã xác nhận, phê duyệt là hộ vay được nhận tiền vay ngay ở Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND xã, việc trả nợ, nộp lãi… cũng đều thông qua Tổ TK&VV của thôn, bản và thực hiện trong ngày giao dịch hàng tháng theo lịch cố định của NHCSXH. Cách làm mới và đúng đó đã tạo điều kiện thuận tiện nhất giúp người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn kịp thời, chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác