Trợ lực cho người dân thoát nghèo

09/12/2020
(VBSP News) Bằng nhiều chương trình khác nhau, tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích cực trồng rừng, đầu tư mở rộng sản xuất, phủ xanh đất trống. Những cánh rừng trù phú, xanh tươi, màu mỡ đã giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo, giải quyết việc làm, vươn lên làm giàu.
quang ninh

Bằng nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình ông Đoàn Văn Tụy ở thôn 4, xã An Sinh, TX Đông Triều đã phát triển trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cũng giống như nhiều hộ dân ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, mặc dù có tới 8ha đất rừng, nhưng do thiếu vốn mua cây giống, phân bón để sản xuất, nên nghèo khó cứ đeo bám gia đình ông Linh Du Minh. Khi gia đình ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã hướng dẫn làm thủ tục vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Ba Chẽ, ông Minh đầu tư trồng trên 1ha keo. Đến nay, 8ha đất rừng của gia đình ông đều được phủ xanh bởi keo, quế và mây. Gia đình ông đã thoát nghèo năm 2019.
Ông Minh chia sẻ: Nguồn vốn vay của NHCSXH thực sự là rất cần thiết, kịp thời, hiệu quả với chúng tôi, bởi có đất mà không có vốn sản xuất thì mãi không thể thoát nghèo. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn đơn giản, không phải thế chấp tài sản đảm bảo, lãi suất thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chúng tôi dễ dàng vay vốn. Nhờ đó, gia đình tôi có vốn để trồng rừng, thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn. Những cánh rừng không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo, mà còn có được ngôi nhà khang trang.
Không chỉ giúp cho hộ nghèo thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách còn tạo động lực cho người dân khai thác lợi thế địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đồng thời, từng bước phát triển trồng rừng gỗ lớn.
Ông Lương Thế Xuyên ở thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên chia sẻ: Cây gỗ lớn tăng độ che phủ rừng, đảm bảo môi sinh môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, thời gian qua, gia đình tôi đã chú trọng trồng cây gỗ lớn. Ngoài gỗ dổi, gia đình có 1ha trồng thông, 2,5ha trồng keo lâu năm và một diện tích nhỏ trồng lim. Nhận thấy hiệu quả của cây sở, đầu năm 2019, gia đình đã vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để trồng 2ha sở. Nguồn vốn vay tuy nhỏ, song là động lực rất lớn đối với chúng tôi.
Nhằm đưa vốn tín dụng chính sách kịp thời đến người dân, thời quan qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Ninh đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Từ việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách cho vay trồng rừng.
Đặc biệt, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trồng rừng là một trong những giải pháp quan trọng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, phần lớn trình độ của người dân khu vực này còn hạn chế, do đó, NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận uỷ thác hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân khai.
Đồng thời, phối hợp với địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ dân áp dụng KHKT vào SXKD; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng. Đến nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 3.260 tỷ đồng; trong đó, 25% tổng dư nợ cho vay phục vụ trồng rừng. Đây thực sự là trợ lực rất lớn để người dân vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh Cao Quỳnh

Các tin bài khác