Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Ea Kar
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 3.624 lượt khách hàng được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 114,3 tỷ đồng, mức vay bình quân 50 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, một số chương trình có doanh số cao như cho vay cận nghèo hơn 30 tỷ đồng; hộ nghèo gần 20,7 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 18,9 tỷ đồng; NS&VSMTNT gần 16,8 tỷ đồng… Tuy nhiên, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Giám đốc NHCSXH huyện Ea Kar Phạm Văn Ánh cho biết: Trong năm 2020, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân vốn, giao chỉ tiêu, đôn đốc thu nợ; thường xuyên làm việc với UBND các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Trên địa bàn huyện hiện có 18.116 lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 450 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2019. Riêng dư nợ của hộ đồng bào DTTS là 146 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Khách hàng chủ yếu vay vốn cho mục đích chăn nuôi đại gia súc, trồng cam, quýt, cải tạo ruộng vườn. Từ đó, nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm 4%/năm.
Trong các ngày giao dịch ở địa bàn, lãnh đạo NHCSXH huyện Ea Kar tham gia giao ban trực tiếp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, quy mô và chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực. Nợ quá hạn chỉ 353 triệu đồng, chiếm tỷ lệ hơn 0,07%.
Gia đình ông Nguyễn Huy Hoan ở thôn Ea Bớt, xã Cư Bông là một trong những khách hàng quen thuộc của NHCSXH huyện Ea Kar khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay vốn đầu tư trồng cà phê, lúa, đến năm 2018, gia đình đã thoát nghèo. Hiện, ông đang có 1.500 con gà, 400 con ngan chuẩn bị xuất chuồng. Dự kiến thu nhập từ đàn gia cầm này sẽ giúp gia đình ông có kinh tế ổn định, thoát nghèo trong năm tới.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn 23, xã Cư Bông cũng thoát nghèo vào năm 2017 nhờ vay vốn chính sách. Hiện, trang trại chăn nuôi của chị có 5 con hươu lấy nhung và 10 con bò thịt. Đàn gia súc mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Để vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, thời gian tới, NHCSXH huyện Ea Kar sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực; nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, chú trọng công tác rà soát, kiểm tra trước, trong và sau cho vay, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Bài và ảnh Minh Thông
Các tin bài khác
- » Giúp người dân có điều kiện tái sản xuất sau lũ lụt
- » Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT NHCSXH
- » Hiệu quả từ chương trình cho vay nhà ở xã hội
- » Nhân rộng nhà ở phòng tránh bão, lũ ở Quảng Điền
- » Tín dụng chính sách góp phần phát triển sản xuất hàng hóa
- » Cầu nối để thanh niên thoát nghèo
- » Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- » Đồng Tháp tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách
- » Đà Nẵng giải ngân gói hỗ trợ cho người dân vay trả nợ tiền đất tái định cư
- » Nguồn lực góp sức xây dựng nông thôn mới