Một số giải pháp góp phần phát triển bền vững NHCSXH

26/10/2014
(VBSP News) Là ngân hàng có nhiệm vụ đặc thù là chuyển tải nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước tới các đối tượng đặc thù là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, chỉ trong 12 năm qua, NHCSXH đã và đang triển khai tới gần 20 chương trình cho vay. Vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đến với hàng chục triệu lượt đối tượng chính sách trên tất cả các địa phương toàn quốc; giúp hàng triệu hộ đã thoát nghèo, hàng triệu việc làm mới được tạo ra.
Hoạt động của NHCSXH đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tô đậm thành tích bảo đảm an sinh xã hội của đất nước Ảnh: Hồng Anh - Báo Nhân dân

Hoạt động của NHCSXH đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tô đậm thành tích bảo đảm an sinh xã hội của đất nước
                                                                                   Ảnh: Hồng Anh - Báo Nhân dân

Hoạt động của NHCSXH đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tô đậm thành tích bảo đảm an sinh xã hội của đất nước: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước liên tục giảm, chỉ còn gần 9,64% vào cuối năm 2012, so với mức 22% năm 2006. Tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ trung bình 47% năm 2006, xuống còn 28,55% năm 2012 ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc 17,39%, Tây Nguyên 15,58%, Bắc Trung bộ 15,01%.

Tuy nhiên, NHCSXH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay: Nguồn vốn hoạt động chưa ổn định lâu dài. Cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, chưa tiếp cận được các nguồn vốn phi Chính phủ, vốn ODA. Nguồn vốn ủy thác hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn. Việc Bộ Tài chính giao chỉ tiêu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý hàng năm còn hạn chế. Các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp, chất lượng thực hiện dịch vụ ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể cũng như hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nơi còn bất cập, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến nay không còn phù hợp, số tiền trích lập thấp hơn nhiều so với các rủi ro phát sinh cần xử lý; trong khi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở và NHCSXH chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên; việc điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho các đối tượng này.

Hơn nữa, trải qua chiến tranh phải chịu đựng trên 17 triệu tấn bom đạn và trên 70 triệu lít hóa chất chứa dioxin, Việt Nam hiện có trên 4 triệu người khuyết tật, tàn tật do bom đạn, chất độc chiến tranh, cùng hàng triệu người có công, người già và trẻ em không nơi nương tựa, nghèo, cô đơn. Việt Nam còn chịu áp lực mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và hàng chục triệu lao động khác làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương…

Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Vì vậy, để NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của mình đã đề ra trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, cải thiện năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của NHCSXH:

Ngân hàng cần chủ động đề xuất phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, tiếp tục xem xét tách triệt để tín dụng ưu đãi ra khỏi Ngân hàng thương mại, đa dạng hoá cơ cấu nguồn vốn, tăng tỷ lệ vốn cấp từ ngân sách Trung ương, vay NHNN,… tạo điều kiện pháp lý và bảo lãnh nhà nước để tăng quy mô vốn huy động của nước ngoài và các địa phương, các tổ chức và cá nhân uỷ thác cho NHCSXH thực hiện; thu hút tiền gửi của các tổ chức tài chính, tín dụng, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; huy động của các tổ chức, cá nhân…đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trước mắt, Chính phủ xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội; tạo điều kiện để NHCSXH tiếp cận với các dự án vay vốn ODA; khuyến khích các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào nguồn vốn uỷ thác; tăng quy mô phát hành trái phiếu, huy động vốn từ dân cư.

Đặc biệt, cùng với việc kêu gọi các nhà hảo tâm và tiếp cận các kênh vốn tài trợ quốc tế khác, cần nghiên cứu cho phép NHCSXH phối hợp với các địa phương và ngành tài chính tổ chức loạt sổ xố chuyên đề huy động vốn bổ sung định kỳ hoặc đột xuất cho các chương trình mục tiêu do ngân hàng chủ trì…

Thứ hai, rà soát các đối tượng, chương trình, điều kiện cho vay phù hợp với tình hình mới:

Ngoài việc tiếp tục cho vay các đối tượng truyền thống, để góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng đen gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong xã hội và tăng dư nợ tín dụng cả nước nói chung, NHCSXH cần đề xuất mở rộng đối tượng, thuận lợi hơn về thủ tục cho vay.

Nâng mức và thời hạn tín dụng cho vay sát với nhu cầu và chu kỳ sản xuất, kinh doanh thực tế. Thực tế cho thấy, việc thi hành từ ngày 01/5/2014 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức vay vốn Chương trình tín dụng NS&VSMTNT từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng để xây dựng 1 công trình về nước sạch hoặc vệ sinh môi trường và nâng mức vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ vay theo Quyết định của Hội đồng quản trị NHCSXH là những điều chỉnh đúng hướng. Những lĩnh vực cho vay khác cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh với các mức nâng tương tự…

Đồng thời, để phòng tránh việc lạm dụng vốn ưu đãi của NHCSXH, cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015…

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 510 nghìn hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 có khó khăn về nhà ở. Trong đó, có khoảng 345 nghìn hộ chưa được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác; 15 nghìn hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác, nhưng nay nhà đã bị mất, sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa hoặc xây dựng lại; 150 nghìn hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác và đã có thời gian trên 8 năm nhưng nay đã hư hỏng, dột nát. NHCSXH cần mở rộng cho vay hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn 2) để có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhu cầu vốn cần để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 vào khoảng 18.440 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.620 tỷ đồng, ngân sách địa phương 320 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi tương đương 7.500 tỷ đồng và dự kiến nguồn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình khoảng 6.000 tỷ đồng. Việc thực hiện sẽ phân bổ theo năm với mục tiêu giải quyết 5% đối tượng ngay trong năm nay; liên tục trong các năm từ 2015 - 2017 là 25% mỗi năm và giải quyết nốt 20% còn lại vào năm 2018. Hiện nay Bộ Xây dựng đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng, địa phương, khu vực… dao động từ 5 - 14 triệu đồng/hộ. Theo đó, các hộ gia đình thuộc diện này được vay từ NHCSXH với mức tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm, trong thời hạn 10 năm và ân hạn 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ sáu, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay (bao gồm cả gốc và lãi).

Thứ ba, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng qua các kênh cho vay của NHCSXH:

Ngoài phương thức trực tiếp cho vay, cần ưu tiên cho vay phục vụ tái cơ cấu theo các chuỗi cung ứng sản xuất các nhóm, ngành, sản phẩm chủ lực liên kết giữa hộ gia đình -doanh nghiệp và các đoàn thể địa phuơng, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua “kênh” các hội, đoàn thể là Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên.

Đồng thời, cần coi trọng phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, các đoàn thể, nhất là trong tổ chức bình xét tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhằm giúp người vay sử dụng tín dụng có hiệu quả, đúng đối tượng, đúng chính sách, bảo đảm chất lượng tín dụng. NHCSXH cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra và giám sát cộng đồng, cũng như đề cao trách nhiệm công vụ, tăng nhận thức và sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất giữa người dân và bản thân cán bộ NHCSXH trong quá trình tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn từ NHCSXH.

Thực tế cho thấy, các Tổ tiết kiệm và vay vốn là một trong những “mắt xích” quan trọng và khá hiệu quả trong quy trình vay vốn của NHCSXH, cầu nối đắc lực giúp NHCSXH cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần củng cố, sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư và linh hoạt hơn nhằm tăng thông tin hai chiều thường xuyên, tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đến hội viên dễ dàng hơn và thuận lợi cho việc họp bình xét, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, thu hồi vốn gốc và lãi…

Bên cạnh việc tăng mức cho vay đủ mức và phù hợp chu kỳ sản xuất kinh doanh, cần tăng cường đào tạo về kỹ năng sử dụng vốn vay, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người vay; khuyến khích và khen thưởng kịp thời các cá nhân thoát nghèo, nay quay lại giúp đỡ người nghèo khác sản xuất, kinh doanh; tăng cường xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Kinh nghiệm quản lý vốn cho vay uỷ thác của Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho thấy, Lãnh đạo hội phải là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và cần chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các huyện theo sự phân công. Các Ban chuyên đề được phân công theo dõi hoạt động ủy thác của các đơn vị cần chủ động phối hợp với NHCSXH và Hội Phụ nữ cấp huyện tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác tại các cơ sở hội, chi hội và hộ gia đình trong các đợt kiểm tra phong trào và công tác hội thường xuyên, nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh và đảm bảo theo yêu cầu trong văn bản thỏa thuận ký kết hàng năm. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện 6 công đoạn trong quy trình cho vay của NHCSXH, công tác quản lý vốn, việc ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan và kiểm tra về công tác kiểm tra vốn của Hội Phụ nữ cơ sở… kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các trường hợp vi phạm quy định đã thỏa thuận, đồng thời có kế hoạch đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu, chủ động phối hợp với ngân hàng có biện pháp xử lý kịp thời. Để sát sao trong quá trình thu hồi nợ quá hạn, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh yêu cầu các cấp hội báo cáo danh sách hộ nợ quá hạn từng tháng, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn của từng hộ, chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở vận động thành viên trả nợ đầy đủ đảm bảo uy tín của tổ chức hội. Đối với các trường hợp vay ké, vay sai đối tượng, xâm tiêu vốn, các cấp hội đã phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương cương quyết xử lý, thu hồi vốn. Đối với các trường hợp chây ỳ không trả nợ, hội đã lập kế hoạch vận động thu hồi, đề nghị thành viên vay vốn ký cam kết trả nợ và chỉ đạo Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn kiên trì và nghiêm túc thực hiện đúng kế hoạch đã xây dựng. Đối với các trường hợp nợ khó đòi kéo dài từ nhiều năm, các cấp Hội đã phối hợp với NHCSXH lập hồ sơ báo cáo cấp trên và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp nhằm giảm tỷ lệ nợ quá hạn.

Thứ tư, coi trọng các giải pháp đồng bộ khác

Ngân hàng cần chủ động nghiên cứu tham mưu đề xuất xử lý hài hoà bất cập giữa tình trạng nguồn vốn ít, lại giao cho quá nhiều cơ quan chủ quản; cơ chế cho vay còn qua nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều cấp trung gian xét duyệt, nhưng trách nhiệm không rõ ràng nên thường rất chậm; chưa gắn công tác cho vay vốn với dịch vụ sau đầu tư và kiểm tra, giám sát thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh đơn giản hoá và tăng thông tin, huớng dẫn quy trình nghiệp vụ cho vay; tăng cường cơ chế khoán tài chính, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống NHCSXH.

Thực tế cho phép tin tưởng rằng, bằng kết quả kinh nghiệm thực tế đã đạt được, sự chủ động và năng động, đề cao trách nhiệm xã hội và trình độ nghiệp vụ chuyên nghiệp ngày càng cao, NHCSXH đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu chính trị đặc thù, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo nhiều cơ hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, tạo công ăn việc làm, cải tạo cuộc sống, dần vươn lên thoát nghèo; góp phần hoàn thiện thể chế ngân hàng và bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với tiến trình đổi mới và yêu cầu hội nhập quốc tế…

TS. Nguyễn Minh Phong

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác