Kết quả hoạt động của một Tổ TK&VV ở tỉnh Hải Dương

08/11/2014
(VBSP News) Tổ TK&VV thôn Chằm xã Phượng Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005, ban đầu chỉ có 17 thành viên, dư nợ chưa được đến 100 triệu đồng và chỉ thực hiện một chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo. Sau gần 10 năm hoạt động, nay Tổ đã phát triển lên 52 thành viên thực hiện 7 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, dư nợ đạt 1,2 tỷ đồng.
NHCSXH huyện Gia Lộc thường xuyên kiểm tra hộ dân sử dụng vốn vay

NHCSXH huyện Gia Lộc thường xuyên kiểm tra hộ dân sử dụng vốn vay

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã sử dụng vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khôi phục mở mang ngành nghề ở khu vực nông thôn đã thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi.

Bà Nguyễn Thị Văn làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Chằm từ năm 2008, cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và Hội Phụ nữ địa phương, tổ đã thường xuyên tổ chức bình xét công khai, dân chủ, tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng với vốn vay của NHCSXH huyện.

Song song với việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về nghĩa vụ, quyền lợi của hộ vay vốn ưu đãi, tổ đã coi trọng công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn vay của từng gia đình tổ viên và đã lồng ghép với việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Đặc biệt, thông qua sinh hoạt tổ đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hộ vay vốn và cả những hộ đang gặp khó khăn để có biện pháp tháo gỡ như chuyện có vài ba hộ đi làm ăn xa, lâu ngày không về địa phương, Tổ TK&VV của thôn Chằm đã phối hợp với Trưởng thôn và Chi hội phụ nữ báo tin cho họ gửi tiền về để nộp lãi và tham gia gửi tiền tiết kiệm. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của Tổ trưởng và Ban quản lý tổ trong việc ủy nhiệm với NHCSXH, cũng như có sự phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo hoạt động của tổ được thông suốt, đều đặn và tổ viên luôn sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Nguyện trước đây có hoàn cảnh kinh tế túng thiếu và ngôi nhà nhỏ lụp xụp khoảng 20m2 làm nơi trú ngụ của 4 người. Nhà ít đất gieo trồng, chị cùng chồng đi làm thuê, vác mướn. Cuối năm 2012, chị tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV của thôn Chằm, được bình xét vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Gia Lộc. Chị mua 1 con bò, sau 8 tháng chăm sóc chị bán bò được 30 triệu đồng. Chị lại mua tiếp 1 con về nuôi. Đến nay nhờ bán bê con, đàn lợn giống, chị trả được 6 kỳ lãi, và 10 triệu đồng cho ngân hàng. Số tiền tích cóp được, chị Nguyện đầu tư làm chuồng trại, chăn nuôi theo quy mô lớn hơn, tạo đà thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Cùng cảnh ngộ như chị Nguyện, gia đình chị Hà Thị Hương được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ năm 2012. Chị Hương đầu tư vào nuôi lợn và mua máy sản xuất hàng da công cho tổ hợp giày da của địa phương. Bản tính lao động cần cù, lại được Tổ TK&VV thôn Chằm trao đổi kinh nghiệm về sử dụng vốn vay vào sản xuất nên chỉ một năm sau bà Hương đã phát triển đàn lợn, lại thành thạo tay nghề sản xuất hàng may da công, thu được khoản lãi kha khá, giúp gia đình hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng và có điều kiện chăm sóc con, cháu học hành mua sắm thêm máy may phục vụ mở mang nghề phụ.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lộc Phạm Thị Mến: “Nhờ có sự hoạt động tốt của Tổ TK&VV của thôn Chằm và năng lực quản lý của Tổ trưởng Nguyễn Thị Văn nên nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tổ vượt lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Trần Văn Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác