Hiệu quả từ các Điểm giao dịch
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã có hệ thống giao dịch khắp trên địa bàn xuống tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Để việc giao dịch tại xã đạt hiệu quả cao, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, được lãnh đạo cơ sở ủng hộ, bố trí địa điểm rộng rãi ngay ở trụ sở UBND, bảng thông tin phục vụ công tác giải ngân, thu nợ, nộp lãi và họp giao ban với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thuận tiện, an toàn cho ngân hàng lẫn cả khách hàng; đồng thời công bố chi tiết, công khai toàn bộ số dư nợ của người vay cũng như chính sách, chế độ, chủ trương mới về các chương trình tín dụng ưu đãi… để người dân hiểu, thực hiện và bàn bạc dân chủ, nêu cao ý thức sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Đặc biệt, vào đúng ngày giao dịch cố định hàng tháng và ngay ở Điểm giao dịch xã, cán bộ NHCSXH đã cùng với các hội, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công tác kiểm tra, đối chiếu sổ sách trực tiếp với từng khách hàng về các khoản tiền vay, dư nợ,… Nhờ vậy, tỷ lệ thu nợ, thu lãi ở tỉnh Thái Nguyên năm 2014 đạt trên 90%; riêng việc đối chiếu trực tiếp với các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ở các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Đồng Hỷ, Định Hóa và Võ Nhai… đạt đến tỷ lệ 100%.
Nhờ đổi mới hoạt động giao dịch tại xã mà người dân vùng chè đã không còn cảnh đi lại xa xôi, đợi chờ tốn kém thời gian, công sức khi vay vốn, trả nợ và cán bộ NHCSXH đã có thêm điều kiện chủ động bám bản làng để cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể cơ sở, cùng giúp đỡ, hướng dẫn vay vốn nhanh chóng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, tạo niềm tin gắn bó giữa ngân hàng với người nghèo.
Chúng tôi có dịp đến Điểm giao dịch xã Bảo Cường, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Bà con đang quây quần trong hội trường của UBND xã, người ký nhận tiền vay, người đối chiếu sổ sách. Khi được hỏi chuyện, anh Hứa Văn Xoan ở thôn Bãi Bình cho biết: Cứ đúng hẹn vào ngày 12 hàng tháng, bất kể thời tiết khắc nghiệt hay ngày nghỉ, bà con dân nghèo chúng tôi đều có mặt tại trụ sở xã thực hiện việc đóng lãi, nộp tiền tiết kiệm, gặp nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất và được nghe cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn cách thức vay vốn, sử dụng vốn vay, thật là tiện lợi, bổ ích.
Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Cường Hoàng Văn Sơn, chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và sự hoạt động giao dịch của NHCSXH diễn ra ngay tại địa bàn dân cư mà hầu hết bà con dân tộc các thôn, bản vùng sâu chúng tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Hơn 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo nơi đây không những ưu tiên được vay vốn ưu đãi mà định kỳ hàng tháng còn được tư vấn về sử dụng vốn vay, đầu tư vào sản xuất. Việc tư vấn này giống như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm nhưng lại đạt kết quả hơn vì nó rất cụ thể, sát sao với hoàn cảnh từng hộ và theo từng công việc.
Bài và ảnh Trần Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đổi thay ở vùng nông thôn mới Lâm Đồng
- » Vốn vay ưu đãi đã đến tận tay hộ cần vốn
- » Tăng hiệu quả chính sách từ cải cách hành chính
- » Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều
- » Vốn vay nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lớn
- » Gia đình nghèo đỡ gánh nặng học phí cho con
- » Đồng hành cùng nhà nông
- » Duy trì nguồn lực hỗ trợ đối với hộ cận nghèo
- » Niềm vui của những hộ mới thoát nghèo ở vùng nông thôn mới
- » Quỹ Nippon giúp tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật