Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ thực tế tại khu vực miền Trung

19/10/2014
(VBSP News) Trong số 4 địa phương miền Trung tác giả đi thực tiễn, nghiên cứu về hoạt động của NHCSXH thì tại Đà Nẵng và Quảng Nam có những điểm chung và có những điểm khác về hiệu quả hoạt động tín dụng. Tại Quảng Nam, quy mô dư nợ các đối tượng vay vốn trên địa bàn lớn nhất, gấp gần 1,5 lần hai tỉnh khác và gấp gần 3 lần thành phố Đà Nẵng.
NHCSXH Quảng Nam giải ngân vốn chính sách tại Điểm giao dịch Ảnh: Ngọc Tú - Báo Tin tức TTXVN

NHCSXH Quảng Nam giải ngân vốn chính sách tại Điểm giao dịch
                                                                                 Ảnh: Ngọc Tú - Báo Tin tức TTXVN

Tại Quảng Nam, nguồn vốn hoạt động của chi nhánh bao gồm vốn cân đối từ Trung ương, nguồn vốn ủy thác UBND tỉnh, huyện, ngoài ra chi nhánh được NHCSXH giao huy động vốn theo lãi suất thị trường để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động. Trong điều kiện là một tỉnh nghèo, nguồn lực có hạn, Trung ương phải hỗ trợ ngân sách hàng năm ở mức độ lớn, thì cả 2 cấp ngân sách: Tỉnh và huyện đều chủ động cân đối, chuyển số vốn lớn hơn nhiều tỉnh lân cận đưa qua NHCSXH để cho vay một mặt do sự tích cực tham mưu của NHCSXH, mặt khác cũng phải thấy uy tín hoạt động tín dụng của chi nhánh, thấy hiệu quả các chương trình cho vay, thấy quyết tâm của cấp uỷ và chính quyền địa phương trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Bên cạnh việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng, chi nhánh đặc biệt quan tâm làm tốt công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; chỉ đạo triển khai xây dựng các Đề án, Phương án nâng cao chất lượng tín dụng tại các địa bàn cấp huyện, cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên. Bám sát nội dung Đề án, Phương án và tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp cùng các đơn vị nhận ủy thác tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra, chi nhánh kịp thời tổng hợp đề nghị xử lý những món nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trong năm và những món nợ tồn đọng do hộ vay bỏ đi khỏi địa phương quá lâu nhưng không có món vay bị chiếm dụng nhưng người chiếm dụng không còn…

Trong thời gian qua các tổ chức hội, đoàn thể đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động ủy thác của cấp trên đối với cấp dưới và kiểm tra đến Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn. Các tổ chức hội, đoàn thể đã chú trọng việc củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong năm đã thực hiện kiện toàn 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, chất lượng hoạt động của tổ được nâng lên, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ vay được quan tâm.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT tỉnh, huyện đã tác động sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở trong việc triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra về việc triển khai thực hiện các công đoạn nhận ủy thác từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ vay trong việc sử dụng đồng vốn.

Hoạt động kiểm tra đã tác động tích cực đến ý thức chấp hành quy trình nghiệp vụ của cán bộ thừa hành, chấn chỉnh và khắc phục kịp thời những tồn tại sai sót tại cơ sở.

Chủ động phối hợp cùng các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kiện toàn hoạt động của tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, đảm bảo tổ vay vốn thành lập và hoạt động đúng theo quy chế hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Quyết định 15/HĐQT của Hội đồng quản trị NHCSXH để thực hiện tốt công việc được ủy nhiệm.

Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch giao, nhất là chất lượng tín dụng được nâng lên, vốn của Nhà nước được bảo toàn, đã triển khai cho vay thêm 01 chương trình tín dụng mới là cho vay hộ cận nghèo, tiếp tục triển khai cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, hạn chế tình trạng tái nghèo vì thiếu vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Một là, NHCSXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng hoạt động, bài bản chỉ đạo của Ban điều hành NHCSXH, gắn mọi hoạt động của đơn vị phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương… Hướng đầu tư tín dụng vào miền núi, khu vực nông thôn, nông dân, vùng nghèo, làng nghề truyền thống… đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

Hai là, chi nhánh chủ động phối hợp cùng hội, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp xã tổ chức khảo sát kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, chủ động chuẩn bị nguồn vốn giải ngân theo kế hoạch được giao. Đồng thời, tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ngân sách từ tăng thu tiết kiệm chi bổ sung nguồn vốn hoạt động của toàn chi nhánh. Kiên trì thực hiện việc huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ vay trong việc dành dụm tiết kiệm và trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh, huyện đến hoạt động của NHCSXH trên địa bàn và đến các đơn vị liên quan trong việc phối hợp tổ chức các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Ba là, chi nhánh làm tốt công tác giao khoán công việc đến từng đơn vị, từng cán bộ thừa hành kết hợp đánh giá xếp loại lao động hàng tháng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ đối với nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động NHCSXH, không ngừng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã, Tổ giao dịch lưu động tại xã, phục vụ tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; thường xuyên củng cố kiện toàn đối với hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị nhận ủy thác trong việc tổ chức thực hiện bài bản nội dung các công đoạn ủy thác từ ngân hàng.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, công tác tự kiểm tra tại cơ sở, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ của ngành.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sâu rộng và hiệu quả, thường xuyên phát động các đợt thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo động lực cho toàn thể cán bộ hăng hái, quyết tâm thực hiện tốt công việc được giao; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể của đơn vị, nhằm phát huy sức mạnh tập thể của người lao động để xây dựng đơn vị phát triển an toàn, hiệu quả.

Sáu là, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến các chính sách tín dụng ưu đãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, thông qua các tổ chức hộim đoàn thể… để người dân nắm bắt kịp thời và thực hiện đúng quy định, nhất là quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền giải thích đối với chương trình tín dụng HSSV trong việc chấp hành việc trả lãi và trả nợ theo phân kỳ thỏa thuận cùng ngân hàng.

Đà Nẵng là thành phố Nam Trung Bộ của Việt Nam, là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương. Về kết quả cho vay vốn các chương trình, tính đến nay, tổng dư nợ đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng trên 25 tỷ đồng so với đầu năm. Kết quả tăng trưởng dư nợ chậm, một mặt cho thấy nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách theo quy định không tăng, mặt khác cho thấy những chuyển biến đáng kể về kinh tế - xã hội trên địa bàn, về giảm nghèo, tạo việc làm, ý thức trả nợ của người vay và nhận thức về việc vay vốn của các hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách.

Cũng tính đến thời điểm nói trên, NHCSXH TP. Đà Nẵng đạt dư nợ cho vay hộ nghèo 386 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là các hộ vay vốn trả nợ cho ngân hàng, đồng thời nhu cầu vay mới không tăng. Dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 223,5 tỷ đồng, tăng tới gần 60 tỷ đồng; dư nợ cho vay vốn HSSV đạt 342 tỷ đồng, giảm gần 4 tỷ đồng. Thời điểm này đang là cuối năm học, nhiều gia đình có nguồn thu trả nợ cho con em. Dư nợ các chương trình khác của chi nhánh cũng có sự biến động khác nhau phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể được thực hiện theo kế hoạch đề ra và dựa trên nền tảng của năm 2013. Chi nhánh tiếp tục củng cố, kiện toàn thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát được đề ra.

Chi nhánh NHCSXH TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu huy động tổng hợp các nguồn lực, cố gắng tăng trưởng nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho vay các đối tượng của thành phố, triển khai kế hoạch Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đến quận, huyện, xã, phường trên địa bàn.

Chi nhánh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch lưu động, chất lượng tín dụng. Thực hiện phân giao, điều hành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, năm 2015 và các năm tiếp theo đến các địa phương, đến thôn, tổ dân phố, Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt công tác bình xét và cập nhật kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời chi nhánh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho nhân dân trong quan hệ tín dụng với NHCSXH.

Chi nhánh cũng trình UBND thành phố ban hành quy định cho vay hộ đặc biệt nghèo và triển khai thực hiện chương trình này, đồng thời xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm và thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch.

Ban đại diện NHCSXH TP. Đà Nẵng xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, phân công thành viên phụ trách địa bàn và tập trung kiểm tra chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch lưu động; tham mưu nguồn vốn cho vay hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của thành phố và các đối tượng chính sách khác của thành phố. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH quận, huyện tham mưu UBND cùng cấp quan tâm, bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác vốn cho vay các đối tượng của địa phương. Chỉ đạo UBND cấp phường, xã kịp thời rà soát bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chỉ đạo của Chính phủ; quan tâm xử lý triệt để nợ xấu.

Đối với hội, đoàn thể nhận uỷ thác, thực hiện nghiêm túc, chất lượng 6 công đoạn nhận ủy thác; đồng thời chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc từng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc hội, đoàn thể quản lý thực hiện nghiêm túc quy chế tổ chức và hoạt động của tổ. Thành phố Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đề xuất việc hộ nghèo chuẩn thành phố được tham gia các chương trình tín dụng ưu đãi như hộ nghèo chuẩn toàn quốc.

PGS; TS. Nguyễn Đắc Hưng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác