Góp sức cùng người dân vươn lên cuộc sống ấm no

10/03/2018
(VBSP News) Hoạt động ở một tỉnh miền núi có gần 300km đường biên giới, tiếp giáp với nước Trung Quốc và còn đến 161/262 xã thuộc vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn), NHCSXH tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn đảm bảo ổn định, trở thành kênh dẫn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gia đình chị Vi Thị Sự (phải), dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng vay 30 triệu đồng hộ nghèo trồng na. Vụ na năm nay cho thu tới hàng trăm triệu đồng

Gia đình chị Vi Thị Sự (phải), dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng vay 30 triệu đồng hộ nghèo trồng na. Vụ na năm nay cho thu tới hàng trăm triệu đồng

Theo báo cáo, hiện tại NHCSXH tỉnh Lạng Sơn triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 2.545 tỷ đồng, tăng gấp 17,4 lần so với năm đầu thành lập (2003), nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã giúp 34 ngàn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 160 ngàn lao động, trong đó có 2.776 lượt người đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ xây dựng trên 34 ngàn công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, cùng nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS làm nhà ở vững chắc “an cư lập nghiệp”…

Trong quá trình hoạt động, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn không những tranh thủ mọi nguồn vốn từ TW chuyển về, từ ngân sách địa phương chuyển sang, kể cả việc tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo, các tổ chức doanh nghiệp… để tạo lập nguồn lực tài chính hoạt động, mà còn tổ chức tốt việc cho vay trực tiếp đến đúng đối tượng thông qua hệ thống 226 Điểm giao dịch xã và mạng lưới 2.591 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng, bao phủ khắp xã, phường, thôn bản toàn địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển SXKD, ổn định cuộc sống.

Đơn cử về chị Trần Thị Quý, người dân tộc Nùng ở thôn Khúc Chảo, xã Sàm Viên, huyện Lộc Bình đã sử dụng vốn vay chính sách mua con giống tốt, đào ao thả cá hồi trên núi và trồng 2ha thông lấy nhựa, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu hội viên phụ nữ giỏi cấp huyện. Hay như gia đình bà Hoàng Thị Đình ở thôn Phai Đeng, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng được vay vốn từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để nuôi 10 con lợn rừng, trồng 4ha rừng hồi. Nhờ vậy cuối năm vừa rồi gia đình bà đã thoát nghèo, trả hết nợ gốc trước kỳ hạn cho ngân hàng, vẫn còn tiền dư dật mua thêm cây con giống, mở rộng cơ sở trồng trọt, chăn nuôi.

Cùng sự góp sức xây dựng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung về cây thông ở Lộc Bình, cây chè Đình Lập, cây na Chi Lăng, cây hồi Văn Quan, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều thôn, xã trên vành đai biên giới, sửa chữa, xây mới các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hoàn thành tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2017, doanh số cho vay của chương trình này tăng 45 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đạt 208 tỷ đồng với 18.700 hộ vay.

Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu tập trung tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH, đồng thời tích cực thực hiện những giải pháp cụ thể như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các hội, đoàn thể trong việc tổ chức triển khai công tác tín dụng chính sách; Củng cố, kiện toàn chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH từ tỉnh đến huyện trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác