Chính sách tín dụng “xanh”
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH là một trong những kênh tín dụng “xanh”, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng nông thôn. Với Chương trình này, hộ nghèo khu vực nông thôn được vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 6 triệu đồng (mức cũ 4 triệu đồng) cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, với thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng/hộ.
Ông Lê Văn Trương - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 5 tháng đầu năm, chi nhánh đã giải ngân cho Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 8,82 tỷ đồng/1.440 hộ, nâng tổng dư nợ cho vay của Chương trình này đến nay là gần 69 tỷ đồng/10.136 hộ vay/11.576 công trình. Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn, chi nhánh đã hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo ở nông thôn vay xây dựng hơn 50 ngàn công trình nước sạch, nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, hầm ủ khí biogas.
Bà Trần Thị Mây ngụ tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết 5 năm trở về trước, gia đình bà dùng nước nhiễm phèn lấy từ giếng khơi để phục vụ sinh hoạt. Vì vậy, những người trong gia đình bà thường mắc các bệnh ngoài da, đường ruột, đau mắt… Năm 2009, bà Mây được NHCSXH cho vay 4 triệu đồng để lắp đặt thủy kế và đường ống đấu nối vào hệ thống cấp nước tập trung của huyện. Từ đó đến nay, nhờ sử dụng nước máy bảo đảm vệ sinh, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bà được cải thiện rõ rệt, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh.
Biến đổi khí hậu, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã tác động nhiều đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Trước thực trạng này, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt là tạo các điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ “sạch” thân thiện với môi trường. Theo đó, đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ “sạch”. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là thiếu nguồn vốn đầu tư để đổi mới, thay thế công nghệ lạc hậu.
Ông Lê Đình Liệu - Giám đốc NHNN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay NHNN đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Nội dung chủ yếu của thông tư này quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi xem xét cấp tín dụng cho các dự án đầu tư, theo các tiêu chí phân loại quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các mức độ từ thấp đến trung bình và cao. Thông tư này ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển các loại hình tín dụng “xanh” ở Việt Nam. Trong đó, sự liên kết giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng với doanh nghiệp sẽ huy động nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh Nhựt Thanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thái Bình xử lý tốt nợ quá hạn
- » Hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay tối đa 50 triệu đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh
- » Niềm vui của chị Tổ trưởng
- » NHCSXH huyện Phù Mỹ triển khai nhiệm vụ năm 2014
- » 100% xã, thị trấn ở huyện Bến Cát có Điểm giao dịch của NHCSXH
- » Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt 6.089 tỷ đồng
- » Tình Xuân đến với người nghèo
- » 19 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo
- » Động lực từ những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả
- » Xây dựng Đề án cho vay đối với hộ cận nghèo năm 2014