CCB huyện Ea Súp thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Là một trong những hội viên điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình anh Nông Văn Sáo ở thôn 1, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp được Hội CCB huyện giúp vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Anh Sáo cho biết, năm 2003 sau khi rời quê hương Cao Bằng, anh cùng gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Thời gian đầu cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Được Hội CCB giới thiệu, anh vay vốn NHCSXH để mua 2 con bò sinh sản. Nhờ nắm được kiến thức chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò khoẻ mạnh, từ hai con bò đầu tiên, đến nay đã phát triển lên 70 con, trị giá 700 triệu đồng. “Nhờ có nguồn thu nhập này, cuộc sống gia đình tôi dần dần ổn định, trả hết các khoản nợ ngân hàng và có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn”, anh Sáo chia sẻ.
Tương tự gia đình anh Nông Văn Sáo, gia đình ông Vũ Duy Ty ở thôn 4, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ nhiều mô hình khác nhau và lựa chọn phát triển sản xuất theo mô hình đa cây, đa con. Năm 2003, được sự giúp đỡ của Hội CCB huyện, ông vay vốn ưu đãi để đầu tư vào trồng cây cà chua và đào ao nuôi cá. Từ một hộ khó khăn, cuộc sống của gia đình ông đã dần được cải thiện. Đến năm 2010, ông trả hết nợ cho ngân hàng và được vay thêm 10 triệu đồng để xây dựng bể nuôi ếch và xây dựng chuồng trại nuôi thỏ lấy thịt. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng KHKT vào sản xuất, đến nay mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Hiện, Hội CCB huyện Ea Súp quản lý 75 Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ nguồn vốn vay ưu đãi những năm qua đã có hàng nghìn lượt hội viên được tiếp cận vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác là 61 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 946 triệu đồng. Đây được coi là một kênh tín dụng ưu đãi giảm nghèo hiệu quả, trục tiếp góp phần cải thiện đời sống của các hội viên Hội CCB cũng như người dân ở vùng nông thôn.
Chủ tịch Hội CCB huyện Ea Súp Nguyễn Văn Tú cho biết, để chăm lo tốt đời sống cho hội viên, Hội còn tăng cường mở các lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản và hoa màu, vận động tìm tòi phát triển những mô hình mới hiệu quả như: trồng cà chua, nuôi ếch, nuôi cá ở xã Cư Mlan, nuôi heo và trồng cải, bắp sú ở xã la Rvê… Chính cách làm này đã giúp 210 hội viên thoát nghèo trong năm 2014, hiện nay tỷ lệ hội viên nghèo chỉ chiếm 28,3% trên tổng số hội viên Hội CCB.
Giám đốc NHCSXH huyện Bùi Văn Trung nhận xét: Hội CCB huyện Ea Súp là một trong những “cánh tay nối dài” của NHCSXH. Trong thời gian qua, Hội CCB luôn tích cực vận động cán bộ hội viên tự giác tham gia gửi tiền tiết kiệm để đến lúc đáo hạn sẽ có nguồn vốn kha khá trong tay trả nợ ngân hàng. Có thể thấy, thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, Hội CCB huyện Ea Súp đã giúp nhiều hội viên có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, nêu cao tinh thần vượt khó, không lùi bước trước những khó khăn, thách thúc, xứng đáng với phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh Phương Chi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thi đua tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng
- » Thoát nghèo nhờ có vốn làm ăn
- » Giúp hộ nghèo vay vốn ưu đãi làm ăn
- » Luôn sát cánh, đồng hành cùng các tổ viên nghèo
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 tại NHCSXH thành phố Hà Nội
- » Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: SINH KẾ NGƯỜI NGHÈO VÀ GIẤC MƠ SẢN XUẤT HÀNG HÓA (kỳ II)
- » Dây trầu khởi nghiệp
- » NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiệm vụ năm 2015
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long