“Cầu nối” chuyển vốn đến người nghèo
Bà Nguyễn Thị Sàng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bù Linh, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho biết: Để giúp các hộ dân tiếp cận nguồn vốn nhanh, tổ tích cực tuyên truyền về chương trình cho vay, thời hạn, mức vay, lãi suất vay. Đồng thời, hướng dẫn người dân làm hồ sơ để được phân bổ vốn kịp thời. Các hộ vay vốn được bình xét công khai, dân chủ, ưu tiên hộ nghèo, hộ đang có nhu cầu cấp thiết trước. Trung bình mỗi năm, tổ giúp từ 2 - 3 tổ viên thoát nghèo.
Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh đang có dư nợ cho vay gần 2,2 tỉ đồng, chủ yếu là vốn vay HSSV hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Trong quá trình sử dụng vốn, tổ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn trả; những vướng mắc, khó khăn được báo cáo, giải quyết kịp thời… Nhờ đó, các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tổ không có nợ quá hạn và lãi tồn.
Toàn huyện Lộc Ninh hiện có 290 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả ấp và khu phố trong huyện. Nhìn chung các tổ đều quản lý tốt nguồn vốn; thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân sử dụng vốn có hiệu quả, đôn đốc thu nợ, thu lãi vay đúng kỳ hạn. Chị Bùi Thị Phương Hằng ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang cho biết: Khi làm hồ sơ vay vốn, tôi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn rất cụ thể, bình xét và giải ngân vốn tại Điểm giao dịch xã thuận tiện và nhanh gọn. Nhờ vậy, gia đình chị có vốn đầu tư chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, nhất là trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay.
Thông qua hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Lộc Ninh, hiện có trên 12 nghìn hộ dân được tiếp cận vốn vay NHCSXH với tổng dư nợ trên 391 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Phong - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lộc Ninh cho biết: Để hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới, Phòng giao dịch xác định sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; chú trọng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay đối với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Đồng thời, xây dựng mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểu mẫu nhằm phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn cho vay.
Văn Hùng - Đức Phong
Các tin bài khác
- » Sức sống mới trên miền núi cao Quế Phong
- » Nỗ lực giúp hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững
- » Giảm nghèo bền vững cùng vốn chính sách
- » Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
- » Dấu ấn cuộc hành trình tín dụng chính sách ở Bình Định
- » Tiếp sức cho nông dân thoát nghèo
- » An Giang hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất
- » Giúp đỡ hộ dân đăng ký thoát nghèo
- » Vĩnh Phúc đưa chính sách vào cuộc sống
- » Hải Dương cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc