Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

07/09/2021
(VBSP News) Trong những năm qua, Đoàn xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai (Nghệ An) đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH. Công tác phối hợp giữa Đoàn xã với Phòng giao dịch NHCSXH TX Hoàng Mai được thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
nghe an

Anh Phạm Văn Quyền phát triển mô hình trang trại chăn nuôi dê từ nguồn vốn uỷ thác

Đến hết tháng 7.2021, tổng dư nợ vốn vay ủy thác từ NHCSXH do Đoàn Thanh niên xã quản lý là trên 12,7 tỉ đồng (tăng 15% so với đầu năm), tổng số dư tiết kiệm là trên 558,8 triệu đồng, quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 277 hộ vay vốn 8 chương trình tín dụng chính sách.
Nguồn vốn vay ủy thác đã giải quyết được nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn, nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Chính nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã tạo nên “bước đệm” giúp cho giấc mơ vươn lên làm giàu chính đáng của đoàn viên thanh niên trở thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê hương Quỳnh Vinh.
Điển hình như anh Phạm Văn Quyền - đoàn viên chi đoàn 7, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp thanh niên xã Quỳnh Vinh, là một gương thanh niên phát triển kinh tế của xã. Năm 2019, anh Quyền vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò, dê, gà… Từ số vốn, đến nay, vợ chồng anh Quyền đã có một trang trại chăn nuôi rộng rãi khoảng 3ha.
Anh Phạm Văn Quyền chia sẻ: “Nhờ có tổ chức Đoàn mà tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Tôi đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi dê, bò, gà, hiện tại trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động chủ yếu là lao động trong độ tuổi thanh niên với mức lương cơ bản là 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm đạt 300 triệu đồng”.
Có thể nói, công tác phối hợp giữa Đoàn thanh niên xã Quỳnh Vinh với Phòng giao dịch NHCSXH TX Hoàng Mai được thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng vốn vay ủy thác từ NHCSXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn còn thực trạng hộ vay chồng chéo chương trình; hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn hiệu quả chưa cao, vẫn còn tổ có thành viên ít, dư nợ thấp; Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc người vay chưa tốt; Tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn; Kết quả huy động tiền gửi tiết kiệm tại một số Tổ tiết kiệm và vay vốn còn thấp.
Một trong những nguyên nhân đó là do một số hộ không có thu nhập thường xuyên nên phải chờ tới mùa vụ thu hoạch mới trả vốn và lãi một lần; ngoài ra, số hộ không có đất sản xuất nên phải đi làm thuê thì cũng chờ vào mùa thu hoạch mới có việc làm để có thu nhập trả nợ và lãi. Trong công tác đôn đốc nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn của một số Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực sự chú trọng, chưa thông báo kịp thời cho hộ vay và chưa tích cực đôn đốc khi có nợ quá hạn phát sinh… từ đó dẫn đến việc nợ quá hạn.
Thời gian tới, Ban Thường vụ đoàn xã sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các Tổ tiết kiệm và vay vốn đăng ký chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã; tăng cường đôn đốc xử lý, thu hồi đối với các trường hợp cho vay chồng chéo.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ thực hiện nghiêm túc họp bình xét vay vốn và nâng cao chất lượng kiểm tra sử dụng vốn vay trong vòng 30 ngày để hạn chế sai sót. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH có biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi đảm bảo yêu cầu; thực hiện giải pháp tăng cường quy mô, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay NHCSXH ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý được đoàn viên thanh niên đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, SXKD đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó, nâng cao đời sống cho đoàn viên và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã.

Sỹ Tiến

Các tin bài khác