Tín dụng chính sách đồng hành xây dựng nông thôn mới

10/06/2021
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Phú Riềng (Bình Phước) tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đặc biệt là việc triển khai tại các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn.
hinh_1_16304603062021

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Thị Dim có tiền mua bò về nuôi

Phát huy hiệu quả vốn vay
Gia đình chị Thị Dim ở thôn 6, xã Long Tân là hộ DTTS thoát nghèo năm 2020. Đó là kết quả sự nỗ lực của gia đình và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó phải kể đến điểm tựa vững chắc phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Phú Riềng. Trước đây, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt cho 4 người.
Năm 2016, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Từ đó, gia đình đầu tư vào vườn điều diện tích 1ha trên mảnh đất Nhà nước cấp thuộc Chương trình 134 và đầu tư làm chuồng, nuôi bò. Nhờ chịu khó lao động, áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, sản xuất, nguồn vốn chính sách xã hội được gia đình chị phát huy hiệu quả. Năm 2020, gia đình chị thoát nghèo. Chị Thị Dim chia sẻ: “Từ nguồn vốn chính sách, chăn nuôi, trồng trọt suôn sẻ, gia đình có nguồn thu ổn định. Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để gia đình vươn lên ổn định cuộc sống”.
Gia đình bà Phạm Thị Nhâm ở thôn 5, xã Long Tân cũng đã thoát nghèo hơn 1 năm nay nhờ phát triển đàn dê, heo và chăm sóc vườn điều, cao su1 ha. Trước đó năm 2017, gia đình bà vay 62 triệu đồng vốn chương trình vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Từ nguồn vốn này, bà Nhâm đầu tư chăm sóc vườn cây và chăn nuôi heo, dê. Đến nay, mỗi năm gia đình bà duy trì nuôi 12 con dê sinh sản, thu nhập từ bán dê thương phẩm khoảng 20 triệu đồng, tạo nguồn thu ổn định. Từ chăn nuôi đã cho nguồn phân bón vườn điều và cao su. Hiện, thu nhập của gia đình bà đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Tích cực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện Phú Riềng đã tham mưu và ưu tiên phân bổ nguồn vốn phù hợp. Riêng các xã đăng ký về đích nông thôn mới, NHCSXH huyện rà soát nhu cầu vốn chương trình tín dụng chính sách để triển khai cho vay đủ, góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới gần 149 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 10 xã trên địa bàn huyện.
Đơn cử, xã Long Tân có tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng từ các nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, đặc biệt là vốn vay ưu đãi hộ nghèo đã mở ra nhiều hướng giúp người dân thoát nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân Đỗ Nhật Quang cho biết: Năm 2021, xã Long Tân được chọn về đích nông thôn mới. Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của NHCSXH huyện, công tác giảm nghèo của xã từng bước được cải thiện. Thực hiện chương trình tín dụng vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi đã bình xét, xác định đúng đối tượng được vay vốn, phát triển kinh tế. Từ đây, nhiều gia đình đã vươn lên xây dựng mô hình có hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay của xã Long Tân đạt trên 42 tỷ đồng với 870 hộ vay vốn. Hiện xã còn 39 hộ nghèo, giảm 171 hộ so với năm 2015.
Nguồn vốn của NHCSXH huyện Phú Riềng thực sự là một trong những kênh quan trọng, giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Giai đoạn 2018 - 2020, Phú Riềng có 4.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho đầu tư SXKD, duy trì và tạo việc làm cho gần 3.500 lao động, giúp trên 970 lượt HSSV hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 7.200 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 300 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, huyện Phú Riềng có 5/10 xã về đích nông thôn mới, bình quân đạt 17,2 tiêu chí. Phấn đấu năm 2021, huyện có thêm 2 xã về đích nông thôn mới. Toàn huyện hiện còn 247 hộ nghèo, 448 hộ cận nghèo, giảm 642 hộ nghèo, 140 hộ cận nghèo so với cuối năm 2016.
Giám đốc NHCSXH huyện Phú Riềng Tăng Văn Trung chia sẻ: Khi nhận vốn, người dân đầu tư, sản xuất chăn nuôi đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Vũ Nam

Các tin bài khác