Trảng Bom: Ủy thác vốn qua NHCSXH là chi cho đầu tư phát triển
Chúng tôi về Trảng Bom - huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào thời điểm cả nước hướng tới kỷ niệm 46 năm ngày Thống nhất đất nước. Vẫn còn đó những dấu tích lịch sử những ngày nhân dân Trảng Bom tham gia cùng bộ đội du kích trong công cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 hay sát cánh cùng các đơn vị chủ lực với chiến dịch Xuân Lộc 1975. Song những tàn tích của chiến tranh đã bị vùi lấp theo thời gian thay vào đó là một Trảng Bom sầm uất đi đầu trong xúc tiến công nghiệp, du lịch, phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, tỷ lệ công nghiệp trong GRDP của huyện chiếm xấp xỉ 70%, tỷ lệ nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 7%. Toàn huyện chỉ còn 7 hộ nghèo còn khả năng lao động, chiếm 0,006% tổng số hộ dân. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện cũng khá thấp chỉ 1,57%với 1.141 hộ. Song hoạt động của NHCSXH trên địa bàn không vì thế mà giảm bớt phần sôi động bởi nông nghiệp chỉ chiếm cấu phần nhỏ trong GRDP, song hiện vẫn còn tới 40% dân số huyện ở trong khu vực này. Bên cạnh đó là nguy cơ tái nghèo từ những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy bài toán giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế góp phần nâng cao thu nhậpcho người dân được địa phương rất quan tâm với việc quy hoạch 11 vùng tập trung khuyến khích chăn nuôi tại 8 xã, hỗ trợ người dân chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế cao như chuối, cây thanh long ruột đỏ, cây cảnh … Đặc biệt sau Chỉ thị số 40-CT/TW huyện ủy và UBND huyện cùng các cấp ngành ngày càng dành nhiều sự quan tâm cũng như cân đói nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH, cùng Chính phủ và tỉnh tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế địa phương vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
Như hộ bà Nguyễn Thị Đậu ở ấp trung tâm xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Bao nhiêu năm tần tảo, chăm sóc lợn nái rồi gây đàn lợn thịt gần 80 con, mỗi con đã ngót nghét 70kg chờ ngày xuất chuồng, bỗng trở lên tay trắng bởi dịch bệnh tả lợn Châu Phi. “Đàn lợn hỏng cả, tôi xót quá ốm cả tháng không dậy được. Hàng xóm thương mua cháo, mua quà sang động viên chăm sóc”, bà kể. Cuộc sống thêm cơ cực khi trên mình bà gánh không ít bệnh tật. Chồng bà phải lên Sài Gòn nương nhờ con gái. Bởi vậy, khi được xét vào hộ nghèo và được vốn vay hộ nghèo từ NHCSXH năm 2019, bà mừng lắm. Lại được sự hướng dẫn của các cán bộ tín dụng và địa phương, bà đầu tư mua dê. Song vì kinh tế eo hẹp, không đất sản xuất, thức ăn dê chỉ trông vào đi cắt lá nên 2 năm qua đàn dê bà gây mới được 11 con. Nếu bán đi thì việc trả nợ vốn vay hộ nghèo đến hạn hồi đầu tháng 4/2021 không khó, song bà muốn giữ lại chăm bẵm thêm để có một khoản tích lũy cho tuổi già và chữa bệnh. Tâm tư này của bà đã được thỏa nguyện khi NHCSXH tiếp tục cho bà vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn ủy thác của ngân sách tỉnh. “Cán bộ tín dụng động viên tôi vay thêm phát triển đàn dê, nhưng sợ không trả nổi, lần này vay về, tôi xây cái chuồng nuôi cho quy củ rồi mới tính tiếp. Trước là nuôi dê trong chuồng lợn cũ”, bà tâm sự.
Theo Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Trảng Bom Phạm Thị Huệ Quyên, đến nay NHCSXH đã cho vay hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, song nhu cầu tín dụng để giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế rất lớn mà nguồn vốn NHCSXH không thể thỏa mãn khi phải tập trung nguồn vốn cho các chương trình trọng điểm quốc gia. Chính vì vậy, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đặc biệt 5 năm gần đâu đã trở thành nguồn lực quan trọng để NHCSXH chung tay cùng chính quyền địa phương giải quyết bài toán này.
Như anh Nguyễn Hữu Hiệpở ấp Lợi Hà vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đầu tư trồng 7 sào chuối, ngay năm đầu tiên trồng trúng giá cao đã thu được 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, cũng lời hơn 300 triệu đồng. Năm 2021 này, dù giá chuối rớt mạnh, song anh cũng lời được 180 triệu đồng. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Môn cho biết, nghề trồng chuối này đã phát triển trên đất Thanh Bình 12 năm nay trong đó 5 năm gần đây phát triển mạnh với sự trợ giúp nguồn vốn từ NHCSXH.
Nhìn lại giai đoạn 2015 đến thời điểm 30/4/2021, NHCSXH huyện Trảng Bom đã cho vay 1.819 hộ lượt hộ với tổng doanh số cho vay hơn 38,5 tỷ đồng. Vốn chính sách những năm qua đã góp phần mở rộng diện tích chuối cấy mô toàn xã lên 1.475ha cùng với đó là cây bưởi cây tiêu phủ kín diện tích đất nông nghiệp toàn xã là 2.126,41ha. Ông Môn cho biết kể cả thời điểm, giá chuối xuống thấp nhất 5.000 đồng/kg, thì với 1ha thu hoạch 60 tấn/năm, người đầu tư trồng mới vẫn lời 200 triệu đồng/ha, còn trồng lại lời 250 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể 3 năm trước giá chuối lên tới 20 nghìn đồng/kg, nhiều hộ chỉ qua một vụ chuối đã đổi đời. Thanh Bình vì thế không chỉ đổi thay với nhiều những ngôi nhà khang trang mà nhiều hộ dân có xe hơi.
Những mô hình phát triển kinh tế mới như Thanh Bình ngày càng nhân rộng trên mảnh đất Trảng Bom cùng với dòng vốn tín dụng chính sách xã hội. Đến 30/4/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại huyện Trảng Bom đạt trên 283,6 tỷ đồng với 10.275 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 75,435 tỷ đồng, tăng 780% so với cuối năm 2015. Trong đó, ngân sách huyện chuyển sang là 35.025 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 12 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2021 là 2,5 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và huyện chủ yếu tập trung cho 4 chương trình là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, đặc biệt, cho vay giải quyết việc làm là 59,731 tỷ đồng, chiếm 54,41% tổng nguồn vốn cho vay chương trình này và chiếm hơn 80%, và nguồn vốn của huyện.
Nguồn vốn tín dụng chính sách NHCSXH đã đóng góp hết sức quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 1.141 hộ, tỷ lệ 1,57% so với số hộ dân đầu năm 2016 xuống còn 0,34% với 343 hộ, trong đó 363 hộ không còn khả năng lao động, sản xuất. Thu nhập bình quân của huyện năm 2020 đạt mức gần 70 triệu đồng/người, tăng 1,5 lần so với 5 năm trước, thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/năm, giữ vững các tiêu chí của huyện nông thôn mới đã đạt được từ năm 2016.
Những con số thống kê cũng minh chứng cho thấy ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đã và đang trở thành một nguồn lực trọng yếu góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và gia tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, câu chuyện phát triển bền vững vẫn còn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng như NHCSXH và phòng giao dịch NHCSXH huyện Trảng Bom khi tới đây, tiêu chí hộ nghèo sẽ thay đổi sẽ phát sinh các hộ nghèo cận nghèo mới. Bên cạnh đó là mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Trảng Bom trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện được xem là một trong 4 lĩnh vực đột phá. Đích phấn đấu đạt chuẩn thị xã vào năm 2025 cũng đặt ra cho huyện bài toán nâng cao thu nhập, giảm khoảng cách giàu nghèo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường… Và để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, UBND huyện sẽ tiếp tục ủy thác qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Bà nhìn nhận đây là nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, ủy thác qua NHCSXH không chỉ là NHCSXH giúp bảo quản đồng vốn mà thông qua việc cho vay còn sinh lời cho xã hội, dân tôi được nhờ. Tuy nhiên, việc tăng nguồn vốn ủy thác sẽ phụ thuộc vào hiệu quả cho vay. Hiệu quả tốt, huyện sẽ tiếp tục tăng thêm nguồn ủy thác.
Bài và ảnh Minh Nguyễn
Các tin bài khác
- » “Trợ lực” tạo việc làm cho người dân
- » Kênh vốn hiệu quả
- » Vốn giảm nghèo trên hành trình mới
- » NHCSXH huyện Xín Mần tiếp sức cho người dân thoát nghèo
- » Vốn chính sách hướng đến nhu cầu đời sống thiết thực
- » Kênh dẫn vốn cho hộ nghèo ở Tam Dương
- » Đồng hành với người nghèo
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại NHCSXH”
- » Thành phố Bạc Liêu nâng cao chất lượng chất lượng tín dụng chính sách
- » Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng nâng cao