Điểm tựa tin cậy của người nghèo
Dư nợ tín dụng chính sách tăng
Năm 2020 - một năm đầy rẫy khó khăn và thách thức do thiên tai và lũ lụt nhưng NHCSXH huyện Quảng Ninh vẫn chủ động hoàn thành tốt công tác huy động nguồn vốn và kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Ngay từ đầu năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện bổ sung đạt 650 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao tăng trưởng; doanh số cho vay đạt 125,7 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đến hết năm 2020 đạt trên 337 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 8,6 tỷ đồng (+2,6%), đạt 99,9% kế hoạch tăng trưởng với 7.847 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh và mưa lũ kéo dài nhưng chất lượng tín dụng của huyện Quảng Ninh vẫn được bảo đảm, với nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã nỗ lực cao nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, đã phối hợp với Ban giảm nghèo các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời xử lý khoanh nợ và gia hạn nợ bị rủi ro do lũ lụt tháng 10/2020 với 1.304 món vay… Đồng thời, thực hiện phương án bảo đảm hoạt động liên tục của Phòng giao dịch trong suốt giai đoạn dịch bệnh, lũ lụt trong năm 2020 với 194 phiên giao dịch (trong đó có 176 phiên giao dịch định kỳ và 18 phiên giao dịch tăng thêm).
Giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, NHCSXH huyện Quảng Ninh xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, vừa phát triển SXKD, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng nguồn vốn, NHCSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; tranh thủ tối đa việc bổ sung nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khi có thể. Triển khai thực hiện tốt công tác huy động vốn, đặc biệt huy động tiền gửi tại Điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng số thành viên gửi tiết kiệm thường xuyên lên trên 98%.
Đồng thời, NHCSXH tỉnh cũng tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; tham mưu cho HĐND, UBND huyện tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2021 được giao.
Riêng trong tháng 1/2021, UBND huyện Quảng Ninh đã chuyển 900 triệu đồng từ nguồn ngân sách theo nghị quyết của HĐND huyện ủy thác sang NHCSXH huyện Quảng Ninh để phục vụ cho vay người nghèo. Tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong mạng lưới; nâng cao chất lượng hoạt động Tổ giao dịch xã; tiếp tục mở rộng tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn (kể cả nợ đến hạn theo phân kỳ), công tác xử lý nợ, công tác thu lãi; đẩy mạnh công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao năng lực cho cán bộ thông qua các đợt tập huấn.
Đặc biệt, NHCSXH huyện Quảng Ninh luôn chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, NHCSXH Trung ương và các cơ quan chức năng, bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều trên địa bàn huyện cũng như công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
Năm 2021, NHCSXH huyện Quảng Ninh phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn duy trì hàng tháng ở mức dưới 0,10%; bảo đảm 100% khoản nợ đến hạn, quá hạn, nợ rủi ro bất khả kháng được xử lý kịp thời theo quy định. Phấn đấu tỷ lệ thu lãi bình quân các chương trình đều đạt trên 99% lãi phải thu, đạt kế hoạch khoán tài chính. Các chỉ tiêu về doanh số giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt trên 95%; 100% điểm giao dịch xã chuẩn hóa theo quy định, các phiên giao dịch đạt chất lượng, an toàn, theo đúng quy trình mới… |
Tuấn Huy
Các tin bài khác
- » Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
- » NHCSXH tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2021
- » Mở hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo
- » Vốn ưu đãi hòa chung “nhịp đập” kinh tế vùng ven đô
- » Tín dụng chính sách xã hội thúc đẩy phục hồi kinh tế
- » Tiếp sức giảm nghèo từ nguồn vốn ủy thác địa phương
- » Đáp ứng nhu cầu nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Vươn lên từ đồng vốn chính sách
- » Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo
- » Đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo