Vươn lên từ đồng vốn chính sách
Còn nhớ, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên đã nói với tôi: “Cuộc sống của đồng bào đủ đầy hơn, có được điều ấy là nhờ ơn Đảng, Chính phủ quan tâm, trong đó đồng vốn chính sách là một yếu tố quan trọng”.
Cùng với các cán bộ của NHCSXH lên thăm hộ gia đình anh Giàng A Hồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, chúng tôi chia sẻ niềm vui với vợ chồng anh khi đàn gia súc của gia đình đã lên tới gần hai chục con, chuồng trại vững chắc, che chắn cẩn thận, mấy đống rơm to đùng và bãi cỏ voi xanh mướt là nguồn thức ăn dự trữ phòng khi rét đậm rét hại. A Hồng đón cán bộ tín dụng NHCSXH rất cởi mở, gần gũi như những người thân trong gia đình.
“Rét đậm, rét hại như thế mà cả đàn trâu, bò vẫn khỏe mạnh, nhờ có chuồng trại và nguồn thức ăn dự trữ đấy!”, A Hồng vừa nói vừa chỉ tay vào mấy đống rơm gần hệ thống chuồng trại, cách xa ngôi nhà gia đình anh ở.
Được biết, năm 2015, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Mù Cang Chải theo chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Toàn bộ số tiền ấy anh đầu tư cải tạo chuồng nuôi, mua thêm bò nái, quá trình vay, sử dụng đồng vốn luôn có sự đồng hành của Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng NHCSXH và nhất là cán bộ kỹ thuật nông - lâm nghiệp, những người giúp anh phòng trừ bệnh tật, phòng chống rét, vận động anh trồng cỏ, thu gom rơm khô làm thức ăn dự trữ; nhờ được chăm sóc tốt nên đàn đại gia súc của gia đình anh phát triển không ngừng, đến nay đã có 13 con bò, 5 con trâu, tổng trị giá gần 350 triệu đồng. “Mấy con nái lại sắp sinh thêm, trâu bò nhà mình sẽ lại nhiều thêm, cảm ơn vốn vay ngân hàng”, Giàng A Hồng hóm hỉnh chia sẻ.
Mù Cang Chải là một huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 13/14 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn; tổng hộ nghèo theo rà soát đến cuối năm 2020 là 3.967 hộ, chiếm tỷ lệ hộ 32,08%; hộ cận nghèo là 3.348 hộ, chiếm tỷ lệ 27,08%; trên địa bàn huyện đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 91%…
Những con số nói trên cho thấy giảm nghèo là nhiệm vụ quan trong bậc nhất, vì thế cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm đến hoạt động của NHCSXH - kênh tín dụng chính sách quan trọng, nguồn lực đáng kể cho công tác giảm nghèo.
NHCSXH huyện Mù Cang Chải luôn bám sát sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện, các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được NHCSXH tỉnh giao để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; chủ động báo cáo tình hình hoạt động và tham mưu cho Trưởng Ban đại diện chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của NHCSXH huyện.
Xây dựng chương trình và phối hợp tốt với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện thực hiện tốt các công việc ủy thác; phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra giám sát theo kế hoạch, kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay, tập huấn nghiệp vụ, triển khai sâu rộng ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng của NHCSXH và chỉnh sửa những tồn tại sai sót về hoạt động ủy thác sau kiểm tra toàn diện của NHCSXH; chủ động rà soát, phân tích số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn theo quyết định phê duyệt của UBND xã, huyện hàng năm; tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình, chủ động trong việc lập và xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát với tình hình thực tế; thường xuyên phân tích nhu cầu vay vốn để trình bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Năm 2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Mù Cang Chải đạt trên 273 tỷ đồng, tăng 26,3 tỷ đồng (10,6%) so với năm 2019; tổng dư nợ đạt 272,7 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi: “Đồng bào vùng cao còn khó khăn nhưng thực thà, tốt bụng, sống ở thôn bản vùng sâu, vùng xa nhưng tin và nghe theo cán bộ, chấp hành tốt chủ trương chính sách. Riêng chuyện vay vốn thì luôn chấp hành đúng các quy định, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả và trả gốc và lãi rất đầy đủ. Đến hết năm 2020, đơn vị không phát sinh nợ quá hạn, không có món vay 3 tháng không hoạt động; số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động xếp loại Tốt là 186/186 tổ; tỷ lệ giải ngân tại Điểm giao dịch xã đạt 100%; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 99,9%; tỷ lệ thu lãi hàng tháng đạt 100%; tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng đạt trên 90%…”.
Cho hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa vay vốn mà không có nợ quá hạn, thu nợ đến hạn đạt 99,9%, thu lãi hằng tháng 100%. Đúng là những con số trong mơ của bất kỳ cán bộ ngân hàng nào, cũng qua những con số ấy thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thể hiện sự mẫn cán của cán bộ tín dụng nơi đây, họ luôn đồng hành, sát cánh với đồng bào trong việc cho vay và sử dụng đồng vốn.
Kinh nghiệm rút ra ở đây là phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, phải nâng cao chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phải xây dựng được các mô hình vay vốn và sử dụng vốn thực sự hiệu quả.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “Với đồng bào Mông ở vùng cao, cứ phải người thật, việc thật; trong bản, trong xã có người làm mà phải làm được, làm tốt, chúng ta đưa bà con tới xem, tới nghe, thế là họ sẽ làm theo. Từ quan điểm này, song song với các chương trình tập huấn, tuyên truyền, chúng tôi xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến sử dụng đồng vốn chính sách rồi mời bà con tới tham quan, học tập và làm theo”.
Trong những ngày đầu xuân ở Mù Cang Chải, ngắm nhìn những làng bản đổi mới, chứng kiến cuộc sống đủ đầy hơn của đồng bào Mông nơi đây, tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện kể của anh Hảng A Dò ở bản La Pán Tẩn: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm, năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói. Giờ thì khác rồi, khi du lịch phát triển, mình vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, mua sắm một số trang thiết bị làm Homestay, đón khách du lịch cộng đồng; kinh tế gia đình mình đã rất ổn, không phải nhận gạo cứu đói nữa”.
Câu chuyện của Hảng A Dò cho chúng ta thấy, một trong những lợi ích của đồng vốn chính sách chính là giúp đối tượng vay không trông chờ ỷ lại, biết tính toán làm ăn và vươn lên trên chính quê hương mình.
Bài và ảnh Lê Phiên
Các tin bài khác
- » Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo
- » Đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo
- » Chuyển đổi số - con đường đúng đắn và bền vững nhất!
- » Ngày hội của hoạt động tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách tiếp nối những mùa xuân
- » Đồng hành cùng hộ nghèo vươn lên
- » Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- » “Gieo” vốn trên núi
- » Hạnh phúc vì được giúp người nghèo
- » Khơi dậy ý chí và nghị lực vươn lên trên mảnh đất nắng gió