Quảng Bình sẵn sàng cho vay vốn trả lương lao động ngừng việc do dịch Covid-19
Phóng viên: Xin ông cho biết, để được cho vay các đối tượng phải đảm bảo những điều kiện nào?
Trả lời: Đối tượng được vay vốn của chương trình là Người sử dụng lao động theo quy định tại điểm b, khoản 1 Nghị quyết số154/NQ-CP cần đáp ứng được 3 điều kiện vay vốn sau đây:
Thứ nhất, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Thứ hai, phải có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Và thứ ba, người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Phóng viên: Ông có thể cho biết thêm về việc áp dụng mức cho vay, thời hạn cũng như lãi suất cho vay?
Trả lời: Theo quy định, người sử dụng lao động chỉ được dùng nguồn vốn vay này để trả lương ngừng việc cho người lao động. Mức cho vay tối đa 1 tháng của người sử dụng lao động bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc. Mỗi người sử dụng lao động được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Lãi suất cho vay là 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Phóng viên: Để triển khai thủ tục vay vốn, khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào, thưa ông?
Trả lời: Hồ sơ vay vốn sẽ bao gồm: Đề nghị vay trả lương ngừng việc cho người lao động (Mẫu số 11a ban hành kèm theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg); Danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Mẫu số 11b ban hành kèm theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg); Bản sao các giấy tờ phù hợp với loại hình hoạt động: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, văn bản bổ nhiệm hoặc cử người đứng đầu pháp nhân, căn cước công dân; giấy ủy quyền (nếu có); Bản sao văn bản thỏa thuận của khách hàng với người lao động về việc ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Xin lưu ý rằng, khách hàng tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo Quyết định số 32/2020/QÐ-TTg. Khi nộp hồ sơ, khách hàng xuất trình bản gốc các giấy tờ chứng minh loại hình hoạt động và giấy tờ tùy thân của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu.
Phóng viên: Do ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19, rất nhiều khách hàng đang rất quan tâm đến chương trình này. Xin ông cho biết về quy trình cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình?
Trả lời: Chậm nhất là ngày mùng 5 dương lịch hàng tháng, khách hàng gửi hồ sơ vay vốn đến NHCSXH. Giám đốc NHCSXH nơi cho vay sẽ phân công cán bộ tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ quy định; lập thông báo tiếp nhận hồ sơ vay vốn gửi khách hàng. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của khách hàng, nếu hồ sơ vay vốn đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, NHCSXH sẽ cùng khách hàng thỏa thuận, lập hồ sơ vay vốn.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, NHCSXH nơi cho vay sẽ thông báo từ chối cho vay, có ghi rõ lý do từ chối để gửi khách hàng. Khách hàng có thể đề nghị, xem xét được giải ngân món vay để trả lương ngừng việc trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 10/2020 cho người lao động trong 1 lần. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Phóng viên: Vậy NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện chương trình trên như thế nào, thưa ông?
Trả lời: Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình và Phòng giao dịch cấp huyện đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo và kịp thời triển khai các văn bản liên quan đến các sở, ban, ngành liên quan cùng phối hợp tổ chức thực hiện; phối hợp với Liên đoàn Lao động, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo, đài địa phương để tuyên truyền và phổ biến chính sách hỗ trợ vay.
Cùng với đó, chi nhánh đã phân công cán bộ chủ động tiếp cận với người sử dụng lao động lao động. Đặc biệt là các doanh nghiệp, trường học, cở sở sản xuất để tuyên truyền, rà soát đối tượng, giải đáp các thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn. Sau khi rà soát, đối với những người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, NHCSXH hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn vay một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Nguyên Phong (thực hiện)
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Cần Thơ sẵn sàng cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động
- » Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài cuối: Để không ai bị bỏ lại phía sau)
- » Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài 4: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc)
- » Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài 3: Chắp cánh những giấc mơ)
- » Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài 2: Đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn)
- » Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài 1 - Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo)
- » Nghệ An tăng cường hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động
- » Viết tiếp hành trình yêu thương tại Yên Bái
- » Nhà ở phòng, tránh lũ: “Đai an toàn” cho hành trình giảm nghèo bền vững miền Trung