Đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ứng phó với dịch Covid-19

21/04/2020
(VBSP News) Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, chưa dự báo thời điểm kết thúc đã và đang là thách thức lớn đối với toàn xã hội. Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các cấp, các Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã tập trung giải ngân vốn các chương trình tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả, tiếp thêm nguồn lực cho hộ nghèo, hộ chính sách đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
image0023

Nhiều hộ dân tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ vốn kịp thời để khắc phục khó khăn trong mùa dịch Covid-19
Ảnh chụp trước ngày 1/4/2020

Thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn tăng gia sản xuất để cung cấp cho thị trường những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt. Gia đình chị Nguyễn Thị Vinh ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn duy trì nuôi 200 vịt đẻ, mỗi ngày thu về hơn 100 quả trứng. Thời điểm trước khi có dịch, toàn bộ số trứng trên được thương lái đến tận nơi thu mua với giá có lãi.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay trên thị trường một số mặt hàng nông sản đang giảm mạnh do các nhà hàng, quán xá vắng khách, nhu cầu tiêu dùng ít hơn rất nhiều so với ngày thường. Trứng vịt cũng là mặt hàng tiêu thụ chậm, giá xuất chưa đến 2 nghìn đồng/quả. Với chi phí nuôi vịt tương đối lớn, gia đình chị đang gặp nhiều khó khăn.
Đồng hành với gia đình chị Vinh và bà con nông dân, NHCSXH tỉnh đã tích cực giải ngân vốn, hỗ trợ kịp thời cho quá trình sản xuất. “Nhờ được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi có thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, chị Vinh cho biết.
Gia đình chị Đinh Thị Thơ ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh là hộ cận nghèo, đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế cũng được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Chị Thơ cho biết: Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của người con trai làm công nhân. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn, con trai chị buộc phải nghỉ việc không lương. Cả nhà mấy miệng ăn giờ đây trông chờ vào vài sào ruộng.
Đứng trước khó khăn thiếu việc làm, không có thu nhập trang trải cuộc sống, mới đây gia đình chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Phụ nữ, gia đình chị đã đầu tư mua bò sinh sản và nuôi gà thả vườn. Dự tính đây sẽ là kế sinh nhai bền vững của gia đình chị trong thời gian sắp tới.
Những tháng đầu năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dòng vốn tín dụng chính sách vẫn tiếp tục chảy về những vùng khó khăn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Trong quý I/2020, toàn tỉnh có gần 7.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay trên 242 tỷ đồng; doanh số thu nợ trên 190 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt trên 2.472 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn…
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp, các ngành đã vào cuộc để nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư sản xuất.
Đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh và các địa phương đã dành một phần ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách cũng như những người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đặc biệt, 8/8 huyện, thành phố đã bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác đạt mức tối thiểu theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017 - 2020.
Riêng thành phố Ninh Bình đã chuyển sang 1 tỷ đồng và thành phố Tam Điệp là 700 triệu đồng. Như vậy, tính đến hết quý I, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 2.478 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác gần 111 tỷ đồng, tăng 26,7 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 178% kế hoạch tăng trưởng năm 2020.
Việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn luôn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, chế độ, đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và đáp ứng khá tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Công tác điều hành kế hoạch tín dụng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời giữa các đơn vị, giữa các chương trình được cho phép do vậy đã nâng cao hiệu suất sử dụng vốn. Qua công tác triển khai tín dụng chính sách, toàn tỉnh đã có hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ chính sách được tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định.
Cùng với tập trung vốn triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, NHCSXH tỉnh còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh và đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho khách hàng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.
Hộ nghèo và các đối tượng chính sách là những đối tượng yếu thế rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về kinh tế - xã hội, nhất là những biến động về dịch bệnh liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm như dịch Covid-19 hiện nay. Do vậy sự đồng hành của Ngân hàng CSXH trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách sẽ góp phần cũng các cấp, các ngành thực hiện tốt giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Hồng Giang

Các tin bài khác