Sức lan tỏa của Chỉ thị số 40 trên cao nguyên Lâm Đồng

20/08/2019
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng cao nguyên Lâm Đồng.
Cán bộ NHCSXH tỉnh Lâm Đồng giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Cán bộ NHCSXH tỉnh Lâm Đồng giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, Huỳnh Thanh Lân chia sẻ: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ hoạt động của NHCSXH; chú trọng ưu tiên dành vốn ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh Lâm Đồng đạt 3.376 tỷ đồng, trong đó vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 131 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40. Tổng dư nợ đạt 3.228 tỷ đồng, trong đó, dư nợ ở 35 xã đặc biệt khó khăn là 453 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 6,67% năm 2016 xuống còn 2,85% giữa năm 2019; giúp cho 87/147 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nông dân Lâm Đồng phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi

Nông dân Lâm Đồng phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp đông đảo hộ nghèo và đồng bào DTTS ở Lâm Đồng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; nhiều thôn, xã ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn như xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương có gần 80% gia đình là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 27% năm 2015 xuống còn 9,7% năm 2018 và hoàn thành đầy đủ các tiêu chí của chương trình nông thôn mới năm 2018. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Ròn Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện Hội đã nhận ủy thác của NHCSXH để cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS để đầu tư trồng rau xanh, cà phê, nuôi bò với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Được Hội Nông dân tư vấn, gia đình bà Ka Sel ở thôn 4, xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương đã vay vốn NHCSXH để đầu tư nuôi 1 cặp bò sinh sản. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh gia súc chu đáo, chăn nuôi đúng kỹ thuật, hiện nay gia đình bà đang có 5 con bò, 4 con bê trị giá 200 triệu đồng. “Gia đình tôi phấn đấu mùa xuân tới trả hết nợ vay cho ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, bà Ka Sel vui vẻ nói.
Hay như gia đình chị Mai Thị Hường thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền trên địa bàn thôn Hương Liên, xã Đa Rsai, huyện Đam Rông được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để khai hoang mở đất trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm. Sau thời gian chăm chỉ lao động, chị đã trả được toàn bộ số nợ vay ngân hàng và đầu tư mở rộng vườn cà phê giống.
Lãnh đạo huyện ủy Đam Rông cho biết: Trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 73,19% xuống còn 17,5% điều quan trọng hơn là tỷ lệ tái nghèo rất thấp. Đặc biệt ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Ban Thường vụ huyện ủy đã lãnh đạo, tổ chức quán triệt tới từng chi bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ngay cả các ban ngành, đoàn thể để cùng chung sức thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách.
Khắp núi rừng Nam Tây Nguyên đang đổi thay không ngừng có phần góp công không nhỏ của tín dụng chính sách xã hội. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng vốn vay cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mới về nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên của các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc sử dụng nguồn vốn chính sách đầu tư có hiệu quả vào chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đông Dư

Các tin bài khác