Khi tín dụng chính sách không còn là “vốn mồi” (Kỳ 2 - Ninh Loan - nơi không ai sống chỉ một nghề)

20/08/2019
(VBSP News) Tới xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi thấy nơi đây như một vùng quê ở Bắc Bộ - từ lời ăn tiếng nói, đến tính chăm chỉ, chắt chiu trong cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ quan trọng của các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, cuộc sống khó khăn của những di dân vùng chiêm trũng về nơi rừng núi hoang vu ngày nào giờ chỉ còn là dĩ vãng.
Canh tác nông nghiệp bền vững đang là hướng đi của nhiều người dân xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng

Canh tác nông nghiệp bền vững đang là hướng đi của nhiều người dân xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng

Câu nói “Không ai chỉ sống với một nghề” xuất phát từ cán bộ xã đến người dân Ninh Loan, trong những năm qua, đều quen xoay xở hết việc này đến việc khác để trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành… Điển hình là bà Vũ Thị Ngọc Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Loan, có 900m² nhà lồng chỉ do 2 vợ chồng tự tay chăm bón. Sáng thì 5 giờ dậy làm vườn cho đến giờ đi làm, rồi chiều 17 giờ về lại vào nhà lồng làm việc tiếp. Còn các cán bộ khác, người có rẫy cà phê, người có ruộng lúa, người có vườn màu…
Ninh Loan là một trong 5 xã vùng Loan của huyện Đức Trọng. Xưa, đường xa cách trở, giao thương giữa vùng Loan với các khu vực khác của tỉnh Lâm Đồng vô cùng khó khăn. Khác hẳn với nghề canh tác lúa truyền thống ở quê, người dân ở vùng kinh tế mới Ninh Loan phải bắt đầu với cách leo đồi, cuốc cỏ, tra hạt để kiếm cái ăn; rồi trồng được cây cà phê, chăn nuôi, làm rau màu và vượt qua nghèo khó.
Qua đó, thu nhập từ ngành nông nghiệp chiếm 78%; thu nhập từ công - thương, dịch vụ là 18% và thu nhập từ lương - lao động khác chỉ là 4%… Cả xã Ninh Loan bây giờ có 1.519 hộ với 0,8% dân là đồng bào DTTS. Những năm gần đây, người dân Ninh Loan đã tích cực đưa các loại giống cây trồng có hiệu quả vào trồng xen cà phê như sầu riêng, mít, tiêu, mắc ca, bơ…; đồng thời, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, như làm nhà lưới, nhà kính, dùng màng phủ polime, tưới phun tự động. Đời sống người dân xã Ninh Loan dần ổn định, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm, chỉ còn 1% hộ nghèo và 4,39% hộ cận nghèo.
Ngoài ra, xã đã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, Tổ hợp tác sản xuất rau - hoa và Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, 12 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với 2,3ha nhà kính, doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm.
Để có được công cuộc chuyển mình ấy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH. Tính đến 30/6/2019, dư nợ tín dụng chính sách tại xã Ninh Loan đạt 21 tỷ đồng với 757 hộ vay vốn, qua 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn chiếm 0,2%. Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách, các hộ vay đã nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Thúy ở thôn Thịnh Long vay vốn NHCSXH đầu tư sản xuất 2ha cà phê và làm khoan giếng; gia đình cũng đang có 4 sào cà chua bắt đầu nở bông…
Cũng ở thôn Hải Ninh, chúng tôi mừng lây với bà Nguyễn Thị Nguyệt trong căn nhà khang trang, rộng rãi được xây từ 2 năm trước. Một mình bà Nguyệt trồng dâu, nuôi tằm, làm cà phê, chăm ruộng lúa để nuôi con đang học lớp 8.
Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn của những người nông dân đồng bằng sông Hồng, sự chung tay, góp sức của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà xã Ninh Loan vượt qua bao khó khăn, hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới từ 5 năm trước và đến nay đạt 9/14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Với đức tính chịu thương, chịu khó, người dân xã Ninh Loan sẽ tiếp tục xây dựng quê hương mình trở thành một vùng đất trù phú và yên bình.

Lê Hoa

Các tin bài khác