Khi tín dụng chính sách không còn là “vốn mồi” (Kỳ 3 - Thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững)
Chúng tôi về vùng dâu tằm huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên đúng vào đỉnh lũ tháng 8/2019. “Dâu bạt ngàn mà nước mênh mông, nhà có tằm ăn rỗi đang lo phát sốt đây!” - vợ ông Vũ Đức Huệ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân thôn Xuân Trường, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh lo lắng bắt chuyện. Vùng dâu tằm Đạ Tẻh, Cát Tiên đang có một sự khởi sắc đáng kể, bởi giá kén vài năm gần đây rất tốt. Riêng thời điểm này, dù giá kén chỉ còn chưa đến một nửa, nhưng nếu thời tiết thuận lợi thì người dân vẫn có lời.
Trong nhà ông Huệ, một góc nhà là đống dâu tươi vừa hái sáng nay; trên nong, hơn 1 hộp tằm ăn rỗi ngày thứ 2 - đang “đẹp”. Cả hai vợ chồng đều mừng rỡ khi con trai về thông báo đã hỏi được dâu ở thôn Xuân Phong, (cách thôn Xuân Trường 5km) chờ ngớt mưa sẽ đi cắt. Bởi, nếu tiếp tục được sẽ thu hơn tạ kén, nếu mấy ngày nữa không có dâu thì lứa tằm này đổ đi thôi.
Vợ chồng anh Đinh Khắc Đạt và chị Vũ Thị Nhung ở đối diện nhà ông Huệ, cũng đang có 1,5 hộp tằm ăn rỗi và mang nỗi lo như vợ chồng ông Huệ. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ vay vốn ở xã Đạ Pal nói riêng và các xã khác ở Đạ Tẻh nói chung, khi lũ về mà dâu chưa kịp cắt, lũ rút thì lá dâu bám đầy bùn, tằm ăn vào sẽ chết… Trong nhà chị Nhung còn đang tranh thủ hong kén bằng bếp than, vì trời mưa kéo dài nên nếu không hong, còn có nguy cơ kén mốc. Đống kén này năm trước là 20 triệu đồng, nay chỉ còn 9,2 triệu đồng/tạ kén. Tuy nhiên, với thu nhập từ kén, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, chăm sóc cho các con còn nhỏ và đều đi học. Tất cả đều nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH.
Ở thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, gia đình ông Đỗ Phúc Ngư và bà Võ Thị Nga đang chăm 2,5 hộp tằm 1 tuần tuổi, ngay sau nhà là 1 mẫu dâu xanh tốt. Trước đây, diện tích dâu này, ông bà trồng điều và xen canh ca cao cho thu nhập chưa quá 5 triệu đồng/sào/năm; lại nuôi con nhỏ, nên là diện hộ nghèo của xã. Chỉ qua 2 năm chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, ông bà đã thoát nghèo. Năm 2016, ông bà vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư nhà tằm và nong kén để nuôi tằm bài bản. Nay, sau khi trừ chi phí thu nhập gia đình ông bà mỗi tháng là 10 triệu đồng, dù đang là thời điểm giá kén đã giảm hơn một nửa so với mọi năm.
Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh Nguyễn Thanh Quang cho biết: Nhờ các chương trình hỗ trợ đầu tư cho sản xuất và an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm giảm đáng kể. Cụ thể, cuối năm 2011, hộ nghèo ở xã Đạ Lây chiếm tỷ lệ 20,77%, đến cuối 2017 giảm từ 5,76% xuống còn 4,54% đầu năm 2019, phấn đấu cuối năm 2019 còn 3,5%. Hiện, hộ nghèo tập trung vào đối tượng già cả, mất sức lao động. Công tác tín dụng ngân hàng được quan tâm thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay, trả vốn; tỷ lệ nợ lãi, vốn gốc của các hộ vay tại NHCSXH trên địa bàn đang ở mức thấp. Tính đến giữa năm 2019, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Đạ Tẻh đạt gần 12,8 tỉ đồng với 582 lượt hộ vay vốn; trong đó tỷ trọng lớn cũng tập trung cho sản xuất nông nghiệp là trồng lúa, cây ăn quả, nuôi bò…
Tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở xã Đạ Lây đều đảm bảo nguồn vốn được phân bổ đến đúng đối tượng, người vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào tháng 3/2019. Nhưng thực ra, nguồn vốn chừng đấy vẫn là ít! Vì vậy, mong ước chung của người dân là Trung ương, tỉnh, huyện, hội… tăng cường quan tâm nguồn vốn ủy thác nhiều hơn để có thêm nguồn vốn cho vay và tạo động lực cho người dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Lê Hoa
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai
- » Vốn chính sách giúp đồng bào vùng cao Gia Lai giảm nghèo
- » Sức lan tỏa của Chỉ thị số 40 trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Khi tín dụng chính sách không còn là “vốn mồi” (Kỳ 2 - Ninh Loan - nơi không ai sống chỉ một nghề)
- » Khi tín dụng chính sách không còn là “vốn mồi” (Kỳ 1 - Ðạ Ploa - hương vị mới ở vùng đất từng đặc biệt khó khăn)
- » Bước đột phá từ tư duy chính sách ở Lào Cai
- » Tiếp thêm động lực cho đồng bào vùng cao Lào Cai làm giàu