Kim Bôi với công tác giảm nghèo
Về Kim Bôi trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ rệt trên những con đường, mái nhà và các công trình phục vụ dân sinh. Ấn tượng nhất là nhờ đồng vốn ưu đãi nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo nhanh.
Thăm gia đình chị Quách Thị Chung ở xóm Bôi Cả, xã Nam Thượn, điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng ưu đãi để thoát nghèo. Chị Chung chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn quanh năm chỉ với 6 sào ruộng cấy lúa, không đủ ăn, cuộc sống quá vất vả. Hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã phát động như “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, phong trào “Hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế trang trại”, được sự nhất trí của các cấp chính quyền, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm. Năm 2011 tôi mạnh dạn vay vốn NHCSXH để khai hoang mở đất trồng 5ha keo lai, 1,5ha vườn cây ăn quả cam lòng vàng, bưởi da xanh và chăn nuôi lợn thịt”. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, nhà chị Chung có nguồn thu từ 500 - 700 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại chỗ cùng mức lương ổn định 4 triệu đồng/người/tháng.
Một điển hình khác về sử dụng vốn vay của NHCSXH hiệu quả mà chúng tôi tiếp xúc đó là hộ ông ông Hoàng Tiến Quang, người dân tộc Mường ở thôn Sống Dưới, được Hội Nông dân xã Vĩnh Đồng đứng ra tín chấp để gia đình ông được tiếp cận tới 3 lần nguồn vốn ưu đãi, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng rừng. Đến hôm nay, cơ ngơi của gia đình ông đã có đàn trâu tới 7 con, đàn lợn thịt 20 con, trọng lượng trung bình 70kg/con và 2ha rừng keo đang vào mùa khai thác, trị giá trên 600 triệu đồng.
Trường hợp của gia đình ông Hoàng Tiến Quang hay gia đình chị Quách Thị Chung chỉ là hai trong hàng nghìn khách hàng được vay vốn của NHCSXH huyện đã sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Trong những năm qua nguồn vốn từ các chương trình tín dụng của NHCSXH đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp huyện Kim Bôi thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, thông qua thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,8% đầu năm 2016 xuống 7,7% cuối năm 2018 (theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020).
Giám đốc NHCSXH huyện Kim Bôi, Lê Việt Hà cho biết: Để các chương trình cho vay đạt hiệu quả cao, trong quá trình triển khai, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tổ chức các Điểm giao dịch tại 28 xã, thị trấn, duy trì hiệu quả hoạt động của 394 Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức hội, đoàn thể quản lý 14.707 hộ vay, bình quân mỗi xã có 14 tổ, quản lý dư nợ bình quân 882 triệu đồng/tổ, 100% tổ thực hiện huy động tiết kiệm. Cùng với đó, ngân hàng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nên các chương trình tín dụng đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, các đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả thiết thực.
Có thể thấy nguồn vốn ưu đãi ở Kim Bôi đều cho vay thông qua ủy thác và lồng ghép với các chương trình, dự án của các cấp hội, đoàn thể nên phù hợp với nhu cầu SXKD của từng thành viên tham gia. Đồng thời, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các hội, đoàn thể quản lý, đồng vốn ưu đãi cho vay được bình xét công khai, dân chủ, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi.
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã “khoác chiếc áo mới” cho vùng đất Kim Bôi, cho những hộ nghèo và các đối tượng chính sách từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Giám đốc NHCSXH huyện Kim Bôi cho biết: “NHCSXH đang tiếp tục nỗ lực tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, góp phần thực hiện hiệu quả về công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi”.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Cần mở rộng đối tượng và nâng mức vay xây nhà tránh lũ
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 2: Tháo gỡ bất cập để chính sách thuận đường tới đích)
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 1: “Giấc mơ có thật” ở Quảng Nam)
- » Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH
- » NHCSXH nghiệm thu Đề tài “Vai trò của Trưởng thôn trong thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở”
- » Sức sống mới trên vùng đất Tây Trường Sơn
- » Vốn chính sách góp sức chuyển động núi rừng
- » Cách làm giàu của nông dân Hương Khê
- » Chuyện về những tấm lòng
- » Viết tiếp những giấc mơ tới trường cho trẻ em nghèo Lai Châu