Những người “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”

27/07/2018
(VBSP News) Không chờ đợi sự chăm lo của Nhà nước về chế độ chính sách, phần đông các CCB không đầu hàng số phận, vượt khó để hòa nhập và làm ăn bằng chính sức lực còn lại của mình. Đến với xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội), hỏi đường vào nhà ông Nguyễn Văn Ngâm ai cũng biết rõ. Ông sinh năm 1954, thương binh 4/4, một trong hàng trăm thương, bệnh binh của huyện Thanh Trì sau khi rời quân ngũ trở về với đời sống thường ngày vẫn lạc quan, yêu đời, tự mình vượt lên mọi nỗi đau thương tật làm kinh tế hiệu quả.
Thương binh Nguyễn Văn Ngâm thành công nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản

Thương binh Nguyễn Văn Ngâm thành công nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản

Đến thăm trang trại của ông mới thấy, mỗi tháng thu nhập gần 70 triệu đồng từ mô hình nuôi trồng thủy sản và VAC. Hiện tại, trang trại của ông với 9ha ao vườn nuôi hàng chục loại cá, baba, tôm, cua… Ông cũng là người khởi xướng phong trào chuyển đổi trồng lúa sang nuôi tôm càng xanh của xã. CCB Ngâm chia sẻ “Nhờ vay vốn NHCSXH huyện Thanh Trì cộng với vốn kiến thức làm bên thủy nông đã giúp tôi thành công, có được cơ ngơi như hiện nay”. Không những thế, ông còn phổ biến kinh nghiệm mô hình làm kinh tế cho rất nhiều hội viên CCB. Ở huyện Thanh Trì, chuyện thương, bệnh binh hăng say dấn thân vào “mặt trận” mới - mặt trận kinh tế để vượt khó, giảm nghèo, làm giàu không phải là hiếm.

Anh Trần Quang Tuấn ở thôn Đông Mỹ, thương binh 2/4, vào năm 2004 anh mạnh dạn vay vốn để lập nghiệp, đến nay giá trị tài sản xưởng may của anh lên đến hàng tỷ đồng, thu hút được 36 lao động, bình quân thu nhập mỗi người cũng được 6 triệu đồng/tháng. Với nghị lực phi thường “tàn mà không phế”, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai tích cực, sâu rộng dưới nhiều hình thức, phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, dạy nghề cho hội viên… đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ông Nguyễn Như Khôi - Chủ tịch Hội CCB xã Đông Mỹ chia sẻ: “Hội được NHCSXH huyện Thanh Trì ủy thác hơn 2 tỷ đồng, cho vay được 49 hộ từ chương trình giải quyết việc làm, hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Bên cạnh đó, các thành viên còn xây dựng quỹ hội, cho hội viên có nhu cầu làm kinh tế vay không lãi hoặc lãi suất thấp.

Theo đánh giá của Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung, những năm qua, Hội CCB các cấp thành phố đã tích cực tổ chức thực hiện hiệu quả công tác ủy thác cho vay từ NHCSXH thành phố, hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Hội CCB còn phối hợp với NHCSXH các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp và đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Ðể nguồn vốn chính sách hiệu quả cao và bền vững hơn, đòi hỏi Hội CCB các cấp và NHCSXH cùng vào cuộc xuống tận cơ sở, bám sát từng địa bàn, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến kinh nghiệm các nơi giúp hộ vay vốn xem xét áp dụng vào thực tiễn của mình như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề để đồng vốn sinh lời ngày một cao hơn.

Bài và ảnh Trâm Anh

Các tin bài khác