Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi

16/07/2018
(VBSP News) Là mắt xích trong dây chuyền dẫn vốn ưu đãi, thực tế cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn là nền tảng để nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng. Tổ hoạt động tốt, tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
image001

NHCSXH huyện Mai Châu giao dịch tại xã Tòng Đậu

Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Săng Trệch, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004, ban đầu có 15 thành viên; dư nợ 45 triệu đồng và thực hiện 1 chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo. Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố lại duy trì hoạt động, đến nay có 43 thành viên và thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ là 46 triệu đồng với 100% thành viên gửi tiền tiết kiệm.

Trên tinh thần hướng đến mô hình tổ đáp ứng yêu cầu quản lý tín dụng chính sách có quy mô ngày càng lớn và chất lượng cao hơn, Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH hướng dẫn mở sổ sách, ghi chép theo dõi nợ vay, kết quả trả nợ, trả lãi của từng thành viên trong tổ. Việc thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo cấp thôn, xóm đã giúp việc quản lý nguồn vốn được tốt, hộ vay thuận lợi hơn trong việc bình xét và thuận tiện sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của tổ; đồng thời thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, công khai, dân chủ hạn chế tình trạng chiếm dụng nợ gốc, nợ lãi của thành viên trong tổ hoặc vay ké.

Một điều đáng ghi nhận trong hoạt động dẫn vốn của các tổ chức hội, đoàn thể là đã khéo léo kết hợp các buổi sinh hoạt với tuyên truyền sử dụng đồng vốn đúng mục đích bằng việc áp dụng KHKT vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao trình độ của những người quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở xác nhận đúng đối tượng cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác với NHCSXH… Thực tiễn cho thấy, địa phương nào tổ chức tốt hoạt động ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể với “cầu nối” là các Tổ tiết kiệm và vay vốn thì hiệu quả sử dụng đồng vốn tương đối cao. Điều này cũng giải thích vì sao nguồn vốn chính sách tuy nhỏ nhưng lại đi vào cuộc sống người dân nhanh và bền chặt như vậy.

Ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 210 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn với 2.857 Tổ tiết kiệm và vay vốn của 4 tổ chức hội, đoàn thể với tổng dư nợ đạt trên 2.845 tỷ đồng. Trong đó có 2.649 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn, chiếm 92,7% số tổ. Qua đánh giá xếp loại, có 2.664 tổ xếp loại tốt, 179 tổ xếp loại khá, 9 tổ xếp loại trung bình và 5 tổ xếp loại yếu. Việc tổ chức giao dịch lưu động trên địa bàn thời gian qua đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần tiết kiệm chi phí. Hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách không phải mất thời gian, công sức đến trụ sở ngân hàng mà vẫn được vay vốn, trả nợ, trả lãi… tại trụ sở UBND xã. Đồng thời, thông qua các Điểm giao dịch giúp ngân hàng nắm rõ hơn cơ sở, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nhằm tăng cường quản lý và chuyển tải vốn tín dụng chính sách, khuyến khích sự tương trợ giúp đỡ người nghèo và đối tượng chính sách xã hội từ chính cộng đồng. Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao hiệu ứng các chương trình tín dụng của Nhà nước. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh chỉ đạo NHCSXH các huyện trên địa bàn chấp hành nghiêm lịch trực giao dịch đã quy định, công khai mọi thủ tục, chế độ liên quan đến đối tượng vay vốn là hộ nghèo và đối tượng chính sách khác… Từ đó, nâng cao hiệu quả và chất lượng tín dụng, tiếp tục góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Theo Đinh Thắng Báo Hòa Bình

Các tin bài khác