Điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số

31/10/2017
(VBSP News) Gia Lai có 34 dân tộc anh em đang sinh sống, chiếm hơn 44% là người DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 16,5%, trong đó đồng bào DTTS chiếm 85,8%. Xác định rõ trách nhiệm của mình, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã tham gia thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn.

Thông tin về các chủ trương, chính sách vay vốn luôn được NHCSXH tỉnh Gia Lai niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã, nhằm giúp đồng bào tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay

Thông tin về các chủ trương, chính sách vay vốn luôn được NHCSXH tỉnh Gia Lai niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã, nhằm giúp đồng bào tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay

Đến thăm nhà anh H’Nhưih, người dân tộc Gia Rai ở làng Tờ Pé 1, xã Chư Long, huyện Kông Chro, nhìn cơ ngơi của anh bây giờ với đàn bò 13 con; 6ha đất trồng các loại như lúa, ngô, mì (sắn) và một máy cày trị giá 60 triệu đồng, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình anh từng thuộc diện hộ nghèo, bữa no, bữa đói. Để làm được điều này, anh H’Nhưih được Hội Nông dân huyện hướng dẫn vay vốn từ NHCSXH huyện 3 lần, trong đó lần nhiều nhất là 50 triệu đồng để làm kinh tế.

Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Bói và chị Đinh Thị Ngơnh, người dân tộc Ba Na ở làng Ơr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang là một trong những hộ nghèo, được Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Gia đình anh Bói mua 02 con bò sinh sản, mấy năm sau có thêm bê con. Nhờ chịu khó tích góp và học hỏi cách làm ăn của các hộ khác trong làng, đến nay gia đình anh Bói, chị Ngơnh đã trồng được hơn 2ha mía, cộng với tiền bán bò cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Sau 3 năm vay vốn, gia đình đã trả hết nợ và còn dư để làm vốn, tiếp tục phát triển sản xuất. Hiện đàn bò của gia đình anh Bói đã lên tới sáu con. Anh Bói đi học thêm nghề phụ xây, hiện là đội trưởng đội phụ xây, giúp đỡ người dân trong làng xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tạo việc làm cho nhiều thanh niên.

Một trường hợp khác là gia đình bà Siu H’Mer, người dân tộc Gia Rai ở thôn Hly 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa. Trước năm 2010, gia đình bà H’Mer gặp rất nhiều khó khăn do đông con, ít đất, vốn liếng làm ăn không có. Được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, NHCSXH huyện cho gia đình bà H’Mer vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để mua bò. Đến năm 2016, bò mẹ đẻ được 04 con, bà H’Mer bán bớt 01 con, trả hết tiền vay đến hạn cho ngân hàng. Hiện bà H’mer tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. “Nhờ số tiền được vay từ NHCSXH huyện cho nên tôi mới có điều kiện mở mang sản xuất, thoát cảnh đói nghèo và nuôi các con khôn lớn. Vừa rồi tôi còn có được một số tiền dư gửi tiết kiệm phòng khi đau ốm, rủi ro…”, bà H’Mer nói.

15 năm hoạt động với 13 chương trình tín dụng, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã cho vay với doanh số đạt 8.199 tỷ đồng. Riêng cho vay hộ nghèo đạt 3.543 tỷ đồng, với 261.458 lượt hộ vay, trong đó có 36.313 hộ đồng bào DTTS với số tiền vay 849,4 tỷ đồng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Nếu các NHTM đặt mục tiêu là lợi nhuận thì NHCSXH lại đặt hiệu quả xã hội và lợi ích của các đối tượng vay vốn lên trên hết. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để đồng vốn vay đến được với người nghèo, người gặp khó khăn, nhất là với người nghèo là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Gia Lai là tỉnh miền núi, điều kiện về giao thông cách trở. Để tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm chi phí đi lại, hằng tháng NHCSXH còn phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn cho vay, thu nợ, thu lãi và giao dịch tại 192 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn. Các hoạt động này đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn cũng như tham gia giảm nghèo bền vững ở địa phương. NHCSXH tỉnh Gia Lai thật sự là điểm tựa cho đồng bào DTTS.

Bài và ảnh Phan Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác