“Lợi ích kép” từ việc tham gia tiết kiệm

25/05/2016
(VBSP News) Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh hiện nay đạt trên 1.930 tỷ đồng với hơn 76 nghìn hộ đang vay vốn. Các chương trình có dư nợ cao là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ.
Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vốn nộp tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tại Điểm giao dịch xã

Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vốn nộp tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tại Điểm giao dịch xã

Cứ mỗi lần trong chúng ta nhắc đến việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, là nghĩ ngay đến những hộ khá giả và giàu có hay có khoản tiền dư thừa tương đối lớn, chứ ít ai nghĩ rằng người nghèo hay những đối tượng yếu thế lo ăn chưa đủ, sao có thể “mạnh dạn” đến ngân hàng đề xuất gửi tiền tiết kiệm được. Hơn nữa, số tiền gửi chỉ có vài nghìn đồng đến vài trăm đồng là cùng, nhưng đây lại là cách mà hàng nghìn đối tượng đang được NHCSXH tỉnh Quảng Ninh nói riêng, hàng triệu đối tượng vay vốn trong hệ thống NHCSXH nói chung đã và đang phục vụ là hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ nhiều năm nay.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, Phạm Văn Cung cho biết, huy động tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các hội, đoàn thể đang nhận ủy thác vốn vay tại NHCSXH là mô hình tiết kiệm mới, đặc thù riêng có của một ngân hàng vì hạnh phúc của người nghèo được triển khai thực hiện từ năm 2010. Theo đó, chương trình đã thu hút được các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm với số tiền tối thiểu từ 1.000 đồng. Việc huy động gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ khuyến khích đến tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách cũng có thể gửi tiết kiệm - điều mà ở những ngân hàng khác, do đặc thù huy động, những đối tượng này khó thực hiện được.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Phường Hải Yên, TP Móng Cái, Hoàng Thị Hồng cho hay: “Tổ được thành lập trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ người nghèo với nhau khi có nhu cầu vay vốn chính sách để SXKD. Đồng vốn vay được tổ viên sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao, từ đó tiền lãi, gốc vay ngân hàng được tổ viên đóng đầy đủ, đúng hạn. Tổ chúng tôi hiện có 60 tổ viên, với số tiền vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng, tất cả các tổ viên đều tham gia gửi tiền tiết kiệm với tổng số tiền hiện lên tới 366 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, tổ viên Nguyễn Thị Liên phấn khỏi chia sẻ, khi tham gia sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn tôi cũng như các tổ viên khác được tuyên truyền về cách thức vay, sử dụng vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây… như thế nào, rồi đến cả phương thức gửi tiền tiết kiệm để trả nợ, lãi ngân hàng, khi gia đình có việc đột xuất, giúp đỡ người nghèo khó hơn… Gia đình tôi vẫn còn khó khăn nhưng cũng gửi tiết kiệm được 11 triệu đồng.

Bà Liên còn cho biết thêm, không chỉ riêng gia đình bà mà mà còn rất nhiều gia đình khác tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, và có số dư tiền gửi tiết kiệm cao, chúng tôi đều thấy được “lợi ích kép” từ việc này, đó là việc lập kế hoạch để tiết kiệm từ những món tiền dù nhỏ, ý thức “tích tiểu thành đại”, giảm khó khăn cho hộ gia đình vay vốn khi đến hạn trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng. Hơn thế, bài học về thực hành tiết kiệm còn thực sự hữu ích, không phải ai cũng nhận thấy được việc mình phải tiết kiệm từ những đồng tiền dù là nhỏ nhất, và đôi khi còn loay hoay không biết lựa chọn phương pháp tiết kiệm như thế nào, nhưng với chúng tôi việc khó đó dường như lại trở thành đơn giản khi là thành viên vay vốn của NHCSXH.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, Phạm Văn Cung cho biết thêm, huy động tiền gửi tại NHCSXH chủ yếu ở hai thành phần cơ bản là huy động qua các tổ chức hội, đoàn thể và hộ gia đình. Trong đó, tiết kiệm hộ nghèo qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nằm trong huy động hộ gia đình. Mục đích của hình thức huy động này là để người vay, đặc biệt là người nghèo có ý thức tiết kiệm, có tư duy tích lũy, tạo vốn tự có cho bản thân họ hỗ trợ việc trả nợ các món vay với NHCSXH. Nhưng để người dân hiểu được, cán bộ NHCSXH cũng phải mất rất nhiều thời gian vừa vận động, vừa chứng minh bằng hiệu quả thực tế cho bà con. Ban đầu các hộ còn dè dặt “nhìn nhau”, nhưng sau này hình thức huy động này đã được khẳng định thì hầu hết ai cũng tham gia. Đối với người nghèo vài chục nghìn cũng là quý, vì vậy, khoản tích góp này giúp họ phần nào chi trả cho các món vay của ngân hàng, đảm bảo trả đúng hạn.

Cùng với việc mở rộng các chương trình cho vay, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cũng đang huy động nguồn vốn thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn rất hiệu quả. Theo báo cáo, đến nay đã có 71.697/75.450 khách hàng là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ lệ khoảng 95% số thành viên tại 2.450/2.462 Tổ tiết kiệm và vay vốn (đạt 99,5% số tổ) trên địa bàn thực hiện gửi tiền tiết kiệm. Một số đơn vị có số dư tiền gửi/hộ gửi cao như huyện Đông Triều 24,3 tỷ đồng/11.694 hộ, Cẩm Phả 13,4 tỷ đồng/5.356 hộ, Quảng Yên 12,8 tỷ đồng/9.076 hộ. Với tỷ lệ này, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có số lượng hội viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi tiết kiệm cao trong cả nước. Đặc biệt hơn, ngày càng có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia vào chương trình này; điển hình, năm 2015, đối tượng hộ nghèo gửi tiết kiệm là 6.632 hộ; hộ cận nghèo gửi tiết kiệm 23.018 hộ.

Bài và ảnh Quang Trung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác