Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách giải quyết việc làm
Chương trình giao lưu trực tuyến góp phần cung cấp thông tin đầy đủ hơn về những chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, những điểm mới trong cơ chế, quy trình thủ tục cho vay giải quyết việc làm; đồng thời tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là những lao động trẻ quan tâm đến vấn đề hỗ trợ, tín dụng chính sách để khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
Các khách mời tham gia gồm có ông Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách; bà Chu Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn; ông Nguyễn Việt Hải - Phó Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông và chuyên gia đến từ TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là ông Lê Ngọc Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn.
Sau đây là nội dung buổi toạ đàm trực tuyến được phóng viên lược ghi lại.
Bạn đọc Mộ Vân, ở Bắc Ninh hỏi: Tôi vừa mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự được 3 tháng, nay muốn học thêm nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại trường Cao đẳng nghề Bắc Giang. Xin hỏi tôi có được vay vốn hỗ trợ hay không và nếu có thì mức vay như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Anh được vay vốn để tham gia đào tạo nghề tại trường cao đẳng nghề Bắc Giang theo quy định của chính sách tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Mức vay là 1,25 triệu đồng/tháng.
Bạn đọc Giao Linh ở Hà Nội hỏi: Hiện thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế, song hỗ trợ cho thanh niên còn thiếu và chỉ có một số ít thanh niên được vay. Trong khi đó, nguồn vốn vay từ NHCSXH chưa đáp ứng được. Xin được hỏi sắp tới Đoàn Thanh niên có chủ trương gì giải quyết vấn đề này không và cụ thể như thế nào?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn: Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên từ NHCSXH theo Nghị định 61, TW Đoàn đang dự kiến xây dựng Đề án tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Đề án này nằm trong Đề án chung của TW Đoàn về “Đề án Thanh niên khởi nghiệp”, hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó, TW Đoàn có kế hoạch xây dựng vườn ươm doanh nghiệp và đào tạo doanh nhân trẻ.
Ngoài tuyên truyền cung cấp cho thanh niên nông thôn về các chính sách mới của Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và việc làm, chúng tôi cũng đang tham mưu để xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bạn đọc Thanh Mai ở Hà Nội hỏi: Tôi là sinh viên Đại học Bách Khoa mới ra trường. Tôi muốn vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để mở Công ty chuyên gia công nghệ phần mềm. Vậy tôi có thuộc diện được vay vốn hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định đối tượng vay vốn là cơ sở SXKD được thành lập và hoạt động hợp pháp với điều kiện:
- Đối với cơ sở SXKD: Được thành lập và hoạt động hợp pháp; có Dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề SXKD, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
- Đối với người lao động: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
Bạn Thanh Mai hỏi thêm: Vậy hạn mức được vay là bao nhiêu, quy trình thủ tục vay như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách:
* Về thủ tục:
- Đối với cơ sở SXKD: Hồ sơ vay vốn (2 bộ): Dự án vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã nơi thực hiện dự án; có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Có giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định nếu: Cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; Cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Hồ sơ bảo đảm tiền vay (nếu có).
- Đối với người lao động: Hồ sơ vay vốn (02 bộ): Người lao động trực tiếp vay vốn: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp; hộ gia đình vay vốn cho người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp.
Giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định (nếu có): Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân đối với người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh cấp đối với người lao động là người khuyết tật; đối với hộ gia đình vay vốn cho người lao động thì người lao động phải có giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên.
* Về mức vay: Đối với cơ sở SXKD: Mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động: Mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Bạn đọc Huỳnh Long ở Hà Nội: Việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay đang gặp một số khó khăn, TW Đoàn có định hướng gì giải quyết việc làm cho sinh viên?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn: TW Đoàn có một số định hướng sau: Thứ nhất, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ giai đoạn còn học phổ thông nhằm phân loại, định hướng cho thanh niên, đánh giá đúng sức mình để định hướng nghề nghiệp. Thứ hai, chúng tôi đang tham gia tích cực vào Đề án Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ. Thứ ba, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với thị trường lao động qua các ngày hội việc làm. Thứ tư, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp với nhiều hình thức đào tạo, hỗ trợ về các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng các dự án, bảo lãnh tín chấp để vay vốn khởi nghiệp.Thứ năm, chúng tôi đang xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.
Bạn đọc Huyền My ở Thái Nguyên hỏi: Hỗ trợ thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu nhưng tôi được biết nguồn vốn qua kênh của Đoàn Thanh niên không nhiều, việc vay vốn cũng không phải đơn giản, chủ yếu dành cho những người tham gia hoạt động Đoàn? Với một thanh niên làm nghề nông thuần túy, không tham gia hoạt động Đoàn như tôi thì có thể vay được không? Mức vay có cao không? Thủ tục vay như thế nào?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn: Trước tiên, TW Đoàn không có vốn để cho bạn vay. Tuy nhiên, bạn có thể vay vốn ở Quỹ quốc gia về việc làm từ NHCSXH theo Nghị định số 61 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Để vay được vốn, bạn phải liên hệ với tỉnh Đoàn và NHCSXH nơi bạn cư trú để được hướng dẫn các thủ tục.
Hoặc bạn có thể vay vốn từ các Ngân hàng thương mại theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, bạn có thể vay đến 50 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Bạn có thể vay đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân hộ gia đình SXKD trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, miễn là bạn chứng minh được dự án khả thi, được ngân hàng chấp thuận.
Bạn đọc Huỳnh Long ở Hà Nội: Xin được hỏi Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay có nguồn vốn là bao nhiêu? Ngành nào đang quản lý Quỹ này?
Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông: Tính đến hết tháng 4/2016, nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm được ngân sách Nhà nước cấp và quản lý, theo dõi tại NHCSXH đạt 4.433 tỷ đồng. Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Nghị định 61 được quản lý như sau:
Thứ nhất, Bộ LĐTB-XH thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với Quỹ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT phân bổ nguồn vốn và giao chỉ tiêu thực hiện cho UBND cấp tỉnh và cơ quan TW của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã, Hội Người mù.
Thứ hai, UBND cấp tỉnh và cơ quan Trung tâm của tổ chức thực hiện chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định 61.
Thứ ba, Quỹ được giao cho NHCSXH quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định 61. NHCSXH báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐTB-XH.
Bạn đọc Bùi Kiến Hưng ở Thái Bình: Bố mẹ tôi trước đây có vay vốn qua kênh của Hội Nông dân. Năm ngoái, nhà tôi đã ra khỏi hộ nghèo. Tôi chưa lập gia đình nhưng muốn làm ăn riêng. Tôi thuộc diện được vay vốn hay không?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn: Về nguyên tắc, bạn không được vay vốn vì gia đình bạn đã thoát nghèo. Nếu bạn tách hộ ra, mà bạn chứng minh đúng là bạn thuộc diện hộ nghèo thì bạn sẽ lại được vay vốn. Tuy nhiên, bạn có thể vay theo nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp theo Nghị định 61 và Thông tư hướng dẫn số 45/2015/TT-BLĐTBXH thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định 61 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Bạn đọc Lê Trân ở Hưng Yên: Theo Nghị định 61, mức vay đã được tăng lên, về phía ngân hàng đã có những chuẩn bị như thế nào để đáp ứng đủ nguồn vốn thực hiện chương trình?
Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn: Ngày 09/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, Điều 33 của Nghị định này quy định: “Hàng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, Bộ LĐTB-XH thông báo kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm cho các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình và NHCSXH để xây dựng kế hoạch thực hiện”; Khoản 2, Điều 34, Nghị định 61 cũng quy định: “Trường hợp NHCSXH huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thì được cấp bù chênh lệch lãi suất”.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng dư nợ tín dụng cho NHCSXH là 8% so với thực hiện năm 2015 (tương đương khoảng 10.250 tỷ đồng). Với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng này, trước hết NHCSXH sẽ cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách, sau đó mới cân đối nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Mặc dù nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm rất lớn và đặc biệt, khi mức vay đã được nâng lên, tuy nhiên việc cân đối nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay còn rất hạn chế. Như các bạn đã biết, đến hết tháng 4/2016 nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm được ngân sách Nhà nước cấp và đang được quản lý, theo dõi tại NHCSXH là 4.433 tỷ đồng. Năm 2016, ngân sách Nhà nước không cân đối bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm, do vậy NHCSXH thực hiện cân đối một phần nguồn vốn từ kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng giao để cho vay giải quyết việc làm, nhưng chủ yếu vẫn là tích cực thu hồi nợ đến hạn của chương trình để thực hiện cho vay quay vòng là chính.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng giao, NHCSXH thực hiện các giải pháp huy động từ các nguồn vốn sau: Thứ nhất, tiếp nhận nguồn tiền gửi 2% của các Ngân hàng thương mại Nhà nước và các Ngân hàng TMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Thứ hai, phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh. Thứ ba, huy động tiền gửi từ các tổ chức cá nhân trên thị trường…
Như vậy, ngoài việc ngân sách Nhà nước bổ sung kế hoạch vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định, hàng năm NHCSXH sẽ thực hiện cân đối một phần nguồn vốn từ chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng giao và tập trung thu hồi nợ đến hạn để tạo lập nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng theo quy định của chương trình.
Bạn đọc Ánh Nguyệt ở Quảng Bình: Gia đình tôi là hộ chính sách, đang có xưởng may thu hút được 10 lao động thường xuyên. Bây giờ muốn vay vốn chính sách để mở rộng sản xuất và tạo thêm việc làm cho các cháu ở nông thôn. Vậy gia đình tôi có thể vay được không? Nếu vay thì mức vay là bao nhiêu?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Nếu cơ sở SXKD của anh, chị đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định của Nghị định số 61: Được thành lập và hoạt động hợp pháp; Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề SXKD, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, thì có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Đối với cơ sở SXKD mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm.
Bạn đọc Hoàng Kim ở Bình Định: Bản thân tôi là người khuyết tật nặng và đang được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 360 nghìn đồng, tôi muốn SXKD, có được vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Theo quy định điều kiện vay vốn đối với người lao động gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
Nếu anh chị đáp ứng được các điều kiện vay vốn nêu trên, có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Bạn đọc Anh Tuấn ở Thái Bình: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo và đang còn dư nợ chương trình tín dụng HSSV, giờ tôi muốn vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH để thuê ao nuôi cá, vậy tôi có được vay không? Và nếu được vay thì tối đa là bao nhiêu và có phải thế chấp tài sản không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Theo quy định, đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là người lao động, không phân biệt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang còn dư nợ chương trình cho vay đối với HSSV. Do đó, người lao động thuộc đối tượng đã nêu đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của Nghị định số 61 và có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, thì có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với mức vay tối đa là 50 triệu đồng, không phải thế chấp tài sản.
Bạn đọc Gia Khang ở Lâm Đồng: Những lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số nếu đang còn dư nợ các chương trình cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS đặc biệt khó khăn, hộ SXKD vùng khó khăn thì có được vay vốn theo Nghị định 61 nữa hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là người lao động, không phân biệt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS và đang còn dư nợ các chương trình cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hộ SXKD vùng khó khăn.
Do đó, người lao động thuộc các đối tượng nêu trên nếu có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mà đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của Nghị định số 61, thì có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Bạn đọc Thu Thủy ở Bình Định: Đối với những khách hàng hiện đang dư nợ cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH, nếu muốn chuyển sang vay theo Nghị định 61 để có mức vay cao hơn thì có được hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Việc cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện giải ngân đang còn dư nợ trên các hợp đồng tín dụng đã đáp ứng được nhu cầu vốn để thực hiện dự án tạo việc làm rồi. Vì vậy, nếu khách hàng muốn chuyển sang vay theo Nghị định số 61 của Chính phủ để có mức vay cao hơn, người vay phải trả hết nợ của dự án cũ, sau đó lập dự án xin vay mới hoặc viết giấy đề nghị xin vay mới gửi NHCSXH để được xem xét cho vay.
Bạn đọc Tấn Thái ở Tiền Giang: Nghị định số 61 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2015, vậy đến nay việc triển khai thực hiện như thế nào? Đã có bao nhiêu khách hàng được vay vốn với số tiền giải ngân là bao nhiêu?
Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2015, đến ngày 11/11/2015 Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định số 61. Và ngay sau đó, NHCSXH ban hành văn bản về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, để các chi nhánh NHCSXH trong toàn quốc triển khai thực hiện.
Từ khi triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định số 61, đến ngày 30/4/2016, NHCSXH đã giải ngân được 1.925 tỷ đồng, với 76.801 khách hàng được vay vốn.
Bạn đọc Ngọc Thanh ở TP Đà Nẵng: Là người khuyết tật và hộ nghèo, tôi muốn được vay để chăn nuôi thì được vay vốn tối đa là bao nhiêu và lãi suất, thời hạn thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Theo quy định điều kiện vay vốn đối với người lao động gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
Nếu đáp ứng được các điều kiện vay vốn nêu trên, anh chị có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với mức vay tối đa là 50 triệu đồng. Hiện nay lãi suất đối với người lao động là người khuyết tật là 3,3%/năm.
Thời hạn cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 60 tháng (5 năm). Thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH và người vay thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của người vay để xác định cụ thể ghi vào hợp đồng tín dụng.
Bạn đọc Lê Thành ở Hải Dương: Quỹ quốc gia về việc làm gồm nhiều cơ quan tham gia quản lý nguồn vốn này như: Tổng Liên đoàn Lao động, các tổ chức hội, đoàn thể, Liên minh các Hợp tác xã và UBND các tỉnh. Vậy NHCSXH thực hiện phương thức cho vay như thế nào để bảo toàn nguồn vốn và đến đúng đối tượng được thụ hưởng?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách: Để cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH áp dụng phương thức cho vay như sau:
- Đối với cơ sở SXKD: Người lao động vay vốn thông qua hộ gia đình hoặc người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam quản lý: NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh hoặc trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.
- Đối với người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do: UBND cấp tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh quản lý: NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của NHCSXH.
Lương Xuân - Phan Anh thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Tín dụng chính sách góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Vĩnh Long
- » Phát triển kinh tế từ nguồn vốn giải quyết việc làm
- » Giúp miền núi cao A Lưới thêm tươi vui
- » Động lực chính giảm nghèo ở nơi “đất chật, người đông”
- » Vốn ưu đãi dẫn trâu, dê về bản
- » Đồng bào DTTS ở Lai Châu sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Điểm tựa cho người nghèo
- » Bến Tre “đồng khởi” giảm nghèo
- » “Cú huých” giúp hô cận nghèo ở Tiền Giang đổi đời