“Duyên kỳ ngộ”

02/10/2015
(VBSP News) Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 05/3/1925, ông là một nhạc sỹ nổi tiếng của Việt Nam, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng nước nhà. Người yêu thích âm nhạc nhớ đến ông qua nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, từ dòng nhạc tiền chiến với ca khúc Dư âm đến những ca khúc “nhạc đỏ” như: Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... Đặc biệt, với bài hát “Em đi làm tín dụng” - ngành Ngân hàng coi như bài “ngành ca” và sau 44 năm ra đời, bài hát như có “duyên kỳ ngộ” với NHCSXH.
Thay mặt Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp đã đến thăm hỏi và động viên nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh

Thay mặt Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp đã đến thăm hỏi và động viên nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh

Tâm huyết với nghề, Bí thư Đảng ủy, Uỷ viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng rất tâm đắc với bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Không chỉ riêng Tổng Giám đốc, mà các thế hệ cán bộ ngân hàng đều rất yêu thích bài hát này. Và, cho đến nay, có thể nói chưa có ca khúc nào về ngành Ngân hàng vượt qua ca khúc đó của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cả về tâm thế và giai điệu.

“… Ơ … sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường

… làm tín dụng, em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…”

Lời bài hát “Em đi làm tín dụng” được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhắc lại tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2014, khiến nhiều người trong hội trường ngỡ ngàng, xúc động. Đã gần nửa thế kỷ - từ khi còn là sinh viên đại học, song những lời ca bài hát ấy bà vẫn không quên, thậm chí càng sâu đậm hơn khi Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TW hàng ngày chứng kiến những đóng góp của ngành Ngân hàng trong những cung bậc thăng trầm của nền kinh tế.

Riêng đối với NHCSXH, mặc dù thành lập sau khi bài hát ra đời được 31 năm (bài hát được sáng tác năm 1971). Nhưng, kỳ lạ! Dường như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác ca khúc “Em đi làm tín dụng” dành riêng cho NHCSXH. Trong mỗi kỳ họp, mỗi lần Đại hội ca khúc này lại vang lên trong lòng mỗi cán bộ NHCSXH. Chính điều đó đã thôi thúc Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp - người được Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng giao nhiệm vụ, tự hứa với mình - phải tìm gặp bằng được nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Văn Tý, dù chỉ một lần.

Qua tìm hiểu, được biết nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã nhờ một cán bộ tín dụng NHCSXH đang công tác ở thành phố thăm dò địa chỉ trước. Khoảng giữa tháng 9/2015, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, buổi chiều - hết giờ làm việc, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp đã đích thân đến thăm nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Ngôi nhà màu xanh mà nhạc sỹ đang ở rất dễ nhận ra trong hẻm 94, đường Trần Khắc Chân, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Khi Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp đến thăm, sau phút đầu ngạc nhiên người nhạc sỹ già đã vui mừng ngay khi Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp giới thiệu là cán bộ NHCSXH, ngân hàng mà ông đã sáng tác một ca khúc “để đời”: “Em đi làm tín dụng”! Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp tuy đang điều hành tại Hội sở chính NHCSXH được đặt tại Thủ đô Hà Nội, nhưng quê ở Tây Ninh, nơi TW Cục Miền Nam đóng trong những năm tháng chống Mỹ.

Căn nhà nhỏ nhạc sỹ đang ở đã cũ kỹ, chật hẹp, với đa phần là vật dụng sinh hoạt của những năm 80 - 90 thế kỷ trước, đến thăm ông, có lẽ ai cũng chạnh lòng về gia cảnh của nhạc sỹ giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Ở độ tuổi 91, bị bệnh thoát vị đĩa đệm và 3 lần tai biến mạch máu não, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp vô cùng ngạc nhiên về sự minh mẫn của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Ông hát hết cả bài ca “Em đi làm tín dụng”! Ông kể rất nhiều về những năm tuổi trẻ, về quá trình hoạt động văn nghệ của mình…

Lần đầu tiên Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp được biết rõ về kỷ niệm của nhạc sỹ đối với ngành Ngành ngân hàng và hoàn cảnh ông sáng tác ca khúc “Em đi làm tín dụng”. Ông kể: Tôi đặc biệt quý trọng và cảm phục ông Trần Dương, hồi đó là cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (từ tháng 4/1977 đến tháng 2/1981 là Tổng Giám đốc NHNN) nhưng lại rất coi trọng giới báo chí, văn nghệ sỹ chúng tôi. Ông thường xuyên mời tôi đến dùng cà phê và trò chuyện. Ông là một người trí tuệ và rất nhân hậu. Chính vì cảm phục và trọng cách đối xử của ông Trần Dương, nên tôi thấy cần phải làm một việc gì đó để đáp lại ân tình. Và, tôi nghĩ ngay đến sáng tác một ca khúc về cán bộ Ngân hàng. Tôi bày tỏ ý định và mong muốn được tiếp xúc với một nữ cán bộ, ông Dương đồng ý ngay và giới thiệu một nữ cán bộ ngân hàng người dân tộc Tày đến gặp tôi. Chỉ sau vài phút chuyện trò, tìm hiểu thêm một số thông tin, tôi đã phác họa được bài hát bằng chất liệu dân ca miền núi phía Bắc quen thuộc. Tôi vui lắm khi một cô ca sỹ hát bài này lần đầu tiên, ông Trần Dương chấp nhận và thích bài hát ngay. Tôi cũng rất cảm động, gần nửa thế kỷ qua “Em đi làm tín dụng” vẫn đồng hành cùng năm tháng, đặc biệt đối với cán bộ Ngân hàng.

Bằng câu chuyện tâm tình, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp kể với nhạc sỹ: do điều kiện công tác nên ông đi nhiều, khi lên Tây Bắc, lúc vào Tây Nguyên… cùng với những cán bộ tín dụng tận tụy và trách nhiệm, đưa vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người được thụ hưởng. Những lúc đó rất tự nhiên những ca từ trong ca khúc “Em đi làm tín dụng” lại vang lên: “Ơ… sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng…/Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…/Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa, thêm ngô…” (nghe toàn bộ bài hát). Lời bài hát đã nằm trong lòng mỗi cán bộ tín dụng của NHCSXH và trở thành động lực thôi thúc những “con người đặc biệt” này gắn bó với vùng rẻo cao đầy núi đá. Qua câu chuyện của Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp, nhạc sỹ bất ngờ và lần đầu tiên biết được ở Việt Nam có một ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì sự an sinh và công bằng xã hội. Cuộc hành trình ấy đã 20 năm, nối tiếp Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg), ngày 04/10/2002 NHCSXH ra đời. Sau 13 năm hoạt động, song song với thực hiện mục tiêu tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 147.196 tỷ đồng, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đó là mạng lưới hoạt động đã được xây dựng từ TW đến địa phương với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 626 Phòng giao dịch cấp huyện. Nhờ có mạng lưới rộng lớn, nên trong thời gian chưa dài, NHCSXH đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách an toàn và tiết kiệm. Mạng lưới “phủ sóng” rộng khắp của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã/phường/thị trấn. Có thể khẳng định, hiện tại NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch trải khắp cả nước xuống tận các xã, là điều kiện tiên quyết để xoá tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước, “tạo được hệ thống dịch vụ gần dân” (theo đánh giá của Quốc hội). Điểm giao dịch tại xã còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước, thông qua gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Cuộc hành trình của tín dụng chính sách được NHCSXH thực hiện hơn một thập kỷ qua đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững

Cuộc hành trình của tín dụng chính sách được NHCSXH thực hiện hơn một thập kỷ qua đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững

Được nghe Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp kể nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông không ngờ bài hát của ông viết từ 44 năm trước, ngày nay lại “đúng” với NHCSXH đến thế. Nhạc sỹ cho đó là “duyên trời”, còn Phó Tổng Giám đốc - là duyên kỳ ngộ. Suy rộng ra, giảm nghèo là một trong những chính sách lớn vì an sinh và công bằng xã hội mà Việt Nam đã quyết tâm theo đuổi suốt mấy thập niên. Nhạc sỹ rất vui khi Phó Tổng Giám đốc thông báo thêm để ông nghe mấy con số ấn tượng: Vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 12 triệu lao động, trong đó trên 106 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 7,2 triệu công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ trên 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 484 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 3.204 căn nhà ở phòng, tránh bão lụt, gần 103 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long… Với trên 20 chương trình cho vay, hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước. Cho đến nay, chưa ở đâu trên thế giới có mô hình phục vụ cho người nghèo tốt như ở Việt Nam.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lấy làm tiếc mình không còn trẻ, không còn sức, ông nhắn gửi:

“… này chim hãy hót lên đi cho tiếng lòng ta vui hát với

Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ, đã giúp ta xây dựng cuộc đời”

Lúc chia tay, bịn rịn và xúc động, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã in lời bài hát “Em đi làm tín dụng” và đề tặng cá nhân Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp. Niềm vui quá lớn, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp xin tác giả chữa lại: “Thân tặng NHCSXH”, và được nhạc sỹ vui vẻ nhận lời (lời bài hát nhạc sỹ tặng NHCSXH).

Ngày 04/10 năm nay, NHCSXH kỷ niệm 13 năm thành lập (04/10/2002 - 04/10/2015), ngoài niềm vui chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, NHCSXH có niềm vui riêng: Tác giả Nguyễn Văn Tý “Thân tặng NHCSXH” ca khúc “Em đi làm tín dụng”! Niềm vui được nhân đôi, “chân cứng, đá mềm”, khi “… sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường…”!

Ghi chép của Hồ Khánh Thiện - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác