Vượt khó từ “cú hích” 15 triệu đồng
Nghèo gặp vốn, như cá gặp nước
“Trước đây, gia đình tôi nhận khoán vài sào ruộng nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Cuối năm 2009, vợ chồng tôi đi thăm mô hình nuôi cá lóc bông của một người bạn và thấy rằng mình có thể áp dụng được mô hình này, nên tìm vốn đầu tư. Tháng 4/2010, tôi được NHCSXH huyện Kim Sơn cho vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Vợ chồng tôi bắt tay vào đào ao thả cá”, chị Trần Thị Ly ở xóm Năng A, xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) chia sẻ.
Vốn không nhiều, nhưng do đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, sau 2 năm, gia đình chị Ly được xóa tên trong danh sách hộ nghèo và trả đầy đủ cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng.
Năm 2014, thấy các hộ nuôi cá lăng cho thu nhập cao, chị Ly lại gõ cửa NHCSXH huyện Kim Sơn vay 20 triệu đồng, lần này không phải vay theo chính sách hộ nghèo, mà theo chương trình vốn vay giải quyết việc làm. Hiện tại, với diện tích 1ha mặt nước nuôi các loại cá, mỗi năm gia đình chị Ly có doanh thu hơn 200 triệu đồng. Chị Ly tâm sự: “Gánh nặng về đồng vốn bấy lâu nay được ngân hàng san sẻ cùng. Lãi suất dễ thở, thời gian vay hợp lý, chúng tôi hoàn toàn yên tâm làm ăn và sẽ trả lãi cho ngân hàng đúng hạn”. Có thêm của ăn của để từ nuôi cá, gia đình chị Ly đầu tư nuôi thêm lợn thịt với quy mô 150 con/lứa, mỗi năm 3 lứa lợn. Từ nuôi lợn, gia đình chị có thêm khoản lãi hơn 100 triệu đồng.
Gia đình chị Ly là một trong hàng nghìn hộ ở huyện Kim Sơn được hỗ trợ vốn vay NHCSXH có hiệu quả, thoát nghèo và từng bước làm ăn khá giả.
Gần 5.000 hộ nghèo được hỗ trợ vốn
Ông Trịnh Xuân Đạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thiện: Chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 16,6% (năm 2012) xuống còn 7,11% (năm 2014). |
Trao đổi với chúng tôi về tình hình giảm nghèo bằng tín dụng chính sách, ông Trịnh Xuân Đạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thiện cho hay: Xuân Thiện có 7.807 hộ dân với hơn 3.000 khẩu. Đây vốn là một trong những xã nghèo của huyện Kim Sơn. Thực hiện công tác ủy thác vốn vay từ NHCSXH huyện, Hội Nông dân xã đang trực tiếp quản lý 6 chương trình vay vốn thông qua 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã. Nhiều năm liền, Hội Nông dân không có nợ quá hạn.
Đánh giá về việc quản lý vốn qua tổ chức Hội Nông dân, ông Đặng Văn Thắng - Giám đốc NHCSXH huyện Kim Sơn, cho biết: Để thực hiện tốt công tác giải ngân, thu hồi vốn, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cấp hội để chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến các đối tượng chính sách, nhanh chóng, dễ dàng, đảm bảo đúng đối tượng. Tính đến nay, NHCSXH huyện Kim Sơn đang thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ cho vay là trên 282 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,61%. Trong đó chương trình cho vay hộ nghèo hơn gần 60 tỷ đồng với trên 4.000 hộ còn dư nợ.
Thu Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người phụ nữ làm “cầu nối” chuyển vốn chính sách ở Tiên Phước
- » Cho vay HSSV ở Yên Mô
- » Vốn vay ưu đãi giúp người dân vùng biên yên tâm sản xuất
- » Người nghèo ở Krông Nô sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Xã Ia Krăi vươn lên thoát nghèo
- » Vào mùa giải ngân vốn HSSV
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã tại Cà Mau
- » Vốn chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Không lỗi hẹn với người nghèo
- » Dân hiểu và dùng vốn đúng