Hà Nội tích cực góp phần phát triển bền vững NHCSXH

19/10/2014
(VBSP News) Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước, đồng thời cũng là địa bàn chịu sức ép không nhỏ về vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị. Chính vì vậy, việc thành lập NHCSXH đã, đang và sẽ là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Nguồn vốn chính sách đã tạo động lực cho các hộ nghèo ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn thoát nghèo bền vững Ảnh: Trần Việt Linh - TTXVN

Nguồn vốn chính sách đã tạo động lực cho các hộ nghèo ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn thoát nghèo bền vững
                                                                                                                                           Ảnh: Trần Việt Linh - TTXVN

Đầu tiên có thể thấy việc thành lập NHCSXH đã tập trung được các nguồn lực tài chính về một đầu mối để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Nếu như tại thời điểm trước khi NHCSXH được thành lập, từ 3 chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo, HSSV, giải quyết việc làm, do 3 tổ chức là NHNo&PTNT, Ngân hàng Công thương và Kho bạc Nhà nước thành phố quản lý cho vay với tổng dư nợ là 309 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 11 năm, chi nhánh TP. Hà Nội đã triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ là 4.778 nghìn tỷ đồng, tăng 8 chương trình và tăng gấp 15 lần so với dư nợ thời điểm mới thành lập.

So với thời điểm trước khi thành lập, nợ quá hạn liên tục giảm, từ mức 3,4% xuống còn 0,2% vào thời điểm cuối tháng 8/2014, nhiều món nợ khó đòi, nợ quá hạn nhận bàn giao trước đây đã được xử lý thu hồi dứt điểm, có thể khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, nhân viên của chi nhánh; đồng thời, là minh chứng rất rõ nét khẳng định chất lượng, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.

Thứ hai, trong hơn 11 năm hoạt động, với doanh số cho vay trên 13 nghìn tỷ đồng thông qua 11 chương trình tín dụng, chi nhánh đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho trên 1.190 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp cho trên 180 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 415 nghìn lao động; tạo điều kiện cho trên 130 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo trên 290 nghìn công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm trên địa bàn thủ đô.

Thứ ba, với mô hình tổ chức chặt chẽ, hệ thống từ Trung ương đến địa phương và phương thức quản lý tín dụng đặc thù chỉ riêng có tại NHCSXH phù hợp với điều kiện thực tế và cấu trúc hệ thống chính trị ở nước ta, hoạt động tín dụng chính sách đã được xã hội hóa một cách rất rõ nét. Với mô hình này, hoạt động tín dụng chính sách không chỉ là nhiệm vụ của riêng NHCSXH mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, của các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như của toàn thể nhân dân khi cùng tham gia với NHCSXH trong việc chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi, từ phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, xác nhận đối tượng, triển khai cho vay, kiểm tra, giám sát… Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp dân cư đã giúp vốn tín dụng chính sách được triển khai đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ. Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa về chính trị - kinh tế - xã hội cũng như giảm thiểu những rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quan trọng đối với hoạt động tín dụng chính sách, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và tích cực vào cuộc, lãnh đạo địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách của Chính phủ về tín dụng chính sách thì ở đó việc triển khai đạt chất lượng và hiệu quả cao, vốn tín dụng đến được đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội và không bị rủi ro, thất thoát. Tại nhiều địa bàn cấp xã của thành phố, hoạt động tín dụng chính sách đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy, tạo cơ sở tích cực cho việc triển khai thực hiện.

Thứ tư, công tác nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để thực hiện tốt việc triển khai cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phát triển nguồn vốn theo cơ cấu tăng dần tỷ trọng vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương, triệt để khai thác nguồn vốn có lãi suất thấp, nguồn tiền gửi tiết kiệm huy động thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai cho vay tại địa bàn là hướng đi đúng đắn đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của NHCSXH.

Tại địa bàn thành phố, UBND và UBMTTQ các cấp đã có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của chi nhánh thông qua việc chuyển vốn ủy thác để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong hơn 11 năm hoạt động, bình quân mỗi năm nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương được bổ sung khoảng 100 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của chi nhánh là 986 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách thành phố là 880 tỷ đồng, từ ngân sách quận, huyện, thị xã là 92 tỷ đồng (riêng UBND quận Hà Đông ủy thác sang NHCSXH 30 tỷ đồng) và từ UBMTTQ các cấp là 14 tỷ đồng.

Có được kết quả này là do chi nhánh và các Phòng giao dịch trực thuộc thường xuyên tích cực tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND các cấp trích từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách để chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH nhằm thực hiện hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Thứ năm, kinh nghiệm rút ra sau hơn 11 năm hoạt động cho thấy, chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác ủy thác và hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng, hiệu quả của việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Là hạt nhân trong quá trình chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, trực tiếp thực hiện các khâu như bình xét vay vốn, theo dõi tình hình sử dụng vốn, thu lãi…., Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các chương trình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2014, với việc tập trung củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, chất lượng tín dụng tại chi nhánh đã được cải thiện rõ rệt, nợ quá hạn đã giảm đáng kể (năm 2013 giảm 1,1 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2014 giảm hơn 3 tỷ đồng), tăng trưởng tín dụng được triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu. Công tác củng cố kiện toàn của chi nhánh được triển khai một cách bài bản, có hệ thống, kết hợp với việc rà soát, kiểm tra đối chiếu tại hộ vay và tập huấn, tuyên truyền đã góp phần kịp thời phát hiện, xử lý những món vay sử dụng vốn không đúng mục đích, có nguy cơ rủi ro, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quan hệ tín dụng với NHCSXH cũng như nâng cao trình độ tác nghiệp của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tạo tiền đề tích cực cho việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Với những kết quả đã đạt được trong hơn 11 năm qua cùng những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn triển khai các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH TP. Hà Nội đề xuất, kiến nghị để hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của NHCSXH, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tiếp theo như sau:

Một là, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, phát huy hơn nữa sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động của NHCSXH. Trong thời gian tới, có thể xem xét nhân rộng mô hình Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện có sự tham gia của Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách công tác văn hóa - xã hội để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, góp phần triển khai các chương trình tín dụng chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.

Tại cấp cơ sở, cần quan tâm, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc triển khai tín dụng chính sách. Để làm tốt điều này, trước hết phải tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để UBND cấp xã, các Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố hiểu được mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của họ trong việc quản lý, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở, từ đó, tạo sự chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm cao hơn.

Hai là, nghiên cứu để bố trí cơ cấu các nguồn vốn tín dụng một cách hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tình hình dân cư tại các vùng, miền của cả nước. Ví dụ, đối với địa bàn các thành phố, đô thị có kinh tế phát triển thì rõ ràng nhu cầu vốn vay để giải quyết việc làm là rất lớn, vốn vay của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… có thể sẽ ít hơn so với các tỉnh, thành còn lại. Như vậy, cần cơ cấu lại nguồn vốn cho vay theo hướng tăng nguồn giải quyết việc làm đối với những địa bàn thành phố, đô thị phát triển và tăng nguồn cho vay hộ nghèo, cận nghèo… tại những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.

Ba là, để có nguồn vốn hoạt động một cách ổn định, bền vững, chính sách về nguồn vốn cần theo hướng nâng cao vai trò tự chủ của chính quyền địa phương để giảm áp lực về tài chính cho Chính phủ. Cụ thể, bên cạnh việc bố trí vốn để cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm, Chính phủ giao chỉ tiêu cho UBND cấp tỉnh cân đối ngân sách, bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối tượng theo chỉ định của UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm của mỗi địa phương.

Bốn là, nên xem xét mở rộng đối tượng cho vay vốn: Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đối với những hộ gia đình khó khăn có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên cả nước; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để góp phần giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo.

Năm là, xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với cho vay giải quyết việc làm ít nhất bằng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm lãi suất cho vay chương trình hộ cận nghèo ít nhất bằng mức lãi suất cho vay chương trình giải quyết việc làm để tránh sự so bì trong nhân dân giữa hai đối tượng vay vốn.

Sáu là, trong tình hình hiện nay, cần có chính sách phân biệt giữa đối tượng nghèo hưởng trợ cấp xã hội (già cả, neo đơn, không còn sức lao động) và đối tượng nghèo cần được hỗ trợ về tín dụng ưu đãi tổ chức sản xuất kinh doanh (những đối tượng kinh tế khó khăn, có khả năng lao động và có nhu cầu về vốn tín dụng ưu đãi) để được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cho vay và giảm nghèo bền vững.

Kết quả hoạt động đã khẳng định việc thành lập NHCSXH là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, hợp ý Đảng, lòng dân. Nhìn lại những gì đã đạt được, những kinh nghiệm đúc kết qua hơn 11 năm qua, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, đó sẽ là tiền đề vững chắc, thuận lợi để hướng tới một NHCSXH phát triển ổn định, bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyễn Kim Phung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác