Bắc cầu dòng vốn
Vốn đến bản
Tà Han, một thôn nhỏ của xã vùng cao Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn mà chỉ nghe tên thôi cũng đủ khiến người đi nghĩ tới một vùng đất xa, cách trở. Thực vậy, theo chân anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Đồn đến thôn tôi đã được “cảnh báo” về việc khó đi và sẽ phải đi bộ khá xa. Thế mới biết, làm cán bộ NHCSXH ở vùng cao thật không đơn giản. Càng ấn tượng hơn khi anh Ma Hắc Hữu, cán bộ chi nhánh chia sẻ, trung bình mỗi tháng mỗi cán bộ của ngân hàng phải đi vài trăm ki-lô-mét bằng đủ phương tiện từ ô tô tới xe máy rồi đi bộ.
Chuyến đi đầu Xuân này là để kiểm tra tình hình sử dụng vốn tại Tà Han. Chiếc xe ô tô gầm gừ vượt lên những con dốc đứng lổn nhổn đất đá. Lác đác vài nương đỗ mèo của bà con xen lẫn với những vạt nghệ xanh tốt. Con đường lên Tà Han trông xa như sợi thừng của cánh thợ sơn tràng bỏ quên vắt chùng chình qua sườn núi. Bỏ xe, đi bộ vượt qua con suối cạn, tiếp tục đi bộ chừng 01 tiếng đồng hồ thì chúng tôi tới Tà Han.
Ngay từ sớm bà con vay vốn trong thôn đã tề tựu đông đủ tại căn nhà họp thôn để họp Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trưởng thôn Đào Văn Dinh chia sẻ, Tà Han còn nghèo lắm. Toàn thôn có 73 hộ với 407 nhân khẩu thì đa phần không có ruộng. Tuy nhiên, từ khi được vay vốn NHCSXH thì bước đầu tín hiệu của việc làm ăn ổn định, thu nhập tăng dần đã định hình rõ nét. Từ vốn vay bà con đã phát triển chăn nuôi bò, khai phá, mua ruộng làm lúa nước…
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Thào Văn Vừ cho biết, trước đây bà con cứ lo là vay vốn ngân hàng thì phức tạp trong thủ tục nhưng thông qua tổ bà con được tiếp cận vốn nhanh chóng, thuận lợi, chỉ cần đến điểm giao dịch xã là được giải ngân; thu, nộp lãi chỉ cần thông qua Tổ trưởng; cán bộ ngân hàng thường xuyên xuống thăm, hướng dẫn cho người dân. Dư nợ tại tổ hiện đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Vốn giúp nhiều hộ thoát nghèo, bà con đã mua được ruộng và gần 180 con bò để chăn nuôi. Được biết, anh Thào Văn Vừ đã có hơn 10 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, dư nợ của NHCSXH tại Xuân Lạc đã đạt hơn 14 tỷ đồng. Thông qua 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn, vốn đã đến tay 517 hộ. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý dư nợ hơn 4,9 tỷ đồng; Hội Nông dân hơn 5,4 tỷ đồng; Hội CCB hơn 1,3 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên hơn 2,3 tỷ đồng.
Chợ Đồn là một huyện có địa bàn rộng bao gồm 22 xã, thị trấn nhưng vốn vay của NHCSXH đã được đưa tới tay bà con cần vốn. Anh Nguyễn Thành Trung cho biết, toàn huyện có 248 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ đạt hơn 179 tỷ đồng với 7.418 hộ còn dư nợ. Vốn vay đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có thể kể ra như hộ anh Hoàng Văn Chỉnh (Rã Bản); Chu Quang Phúc (Đông Viên); Thăng Văn Thức (thị trấn Bằng Lũng); Triệu Kim Phú (Ngọc Phái)…
Chung sức làm giàu
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Quyến, thôn Bản Duồn, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn khi anh đang tất bật trong xưởng cơ khí của mình. Lập nghiệp bằng nghề cơ khí tại một vùng đất còn nhiều gian khó như Quảng Bạch tưởng như không phù hợp nhưng anh đã thành công. Mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, anh Quyến đã đầu tư mở xưởng. Xưởng làm ăn ngày càng phát đạt, tạo việc làm và thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên cho 5 lao động.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, hơn 10 năm qua, chi nhánh đã chuyển tải chính sách tín dụng của Chính phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% các thôn, bản, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Vốn tín dụng đã góp phần giúp 22.247 hộ thoát nghèo; thu hút 86 nghìn lao động có việc làm; tạo điều kiện cho 10.078 HSSV có tiền trang trải chi phí học tập; xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 740 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; có 3.386 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ với mức lãi suất cho vay là 0% (theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg). Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao, trong đó: nguồn vốn của NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng.
Năm 2013, tổng nguồn vốn đạt hơn 1.169 tỷ đồng, tăng 17,7 lần so với năm đầu đi vào hoạt động. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 2.223 tỷ đồng, bình quân hằng năm cho vay được hơn 222 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ các chương trình đạt hơn 1.122 tỷ đồng. Đồng chí Trần Xuân Lễ - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, vốn vay của ngân hàng là một hình thức giúp người nghèo không phải bằng bao cấp mà giúp họ có vốn, biết cách tính toán làm ăn; sử dụng đồng vốn hiệu quả; hoàn trả nợ vay đúng hạn. Từ những món vay nhỏ đã bước đầu tập dượt cho người nghèo tiếp cận, làm quen với vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, từng bước xóa bỏ nền sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, dần dần thoát nghèo chuyển sang vay các món lớn để làm giàu…
Tuấn Sơn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hai chức năng của những chòi tránh lũ
- » Sơn La cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở đạt dư nợ 156 tỷ đồng
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn như “ngôi nhà chung” đem mùa xuân hạnh phúc đến cho dân nghèo
- » Đồng hành đưa vùng lũ hồi sinh
- » Chính quyền TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo NHCSXH triển khai nhanh và hiệu quả chính sách cho vay hộ cận nghèo
- » Ấn tượng xã Phổ Thạnh
- » Hộ cận nghèo vui đón mùa xuân mới
- » Cổ tích thời nay trên đỉnh núi đá Tả Phìn
- » Phát triển kinh tế gia trại vươn lên làm giàu ở Quảng Ninh
- » Hiện đại hóa cùng INTELLECT CORE BANKING