Chính quyền TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo NHCSXH triển khai nhanh và hiệu quả chính sách cho vay hộ cận nghèo
Chúng tôi về xã Hương Ngải, một xã điểm xây dựng Nông thôn mới của huyện Thạch Thất, nơi cách đây ít lâu đã từng “dậy sóng” dư luận về chuyện địa phương bàn xét cho người dân “thoát nghèo trên giấy”. Gia đình chị Trần Thị Huyền, thôn 2, là một trong những hộ nghèo lâu năm. Chị Huyền cho biết, từ đầu năm 2013, UBND xã Hương Ngải đã tạo điều kiện cho chị làm việc trong tổ thu gom rác thải cộng với việc canh tác 5 sào ruộng và chăn nuôi thêm nên những năm gần đây cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, để chị Huyền và gia đình thực sự yên tâm thoát nghèo vẫn hết sức mong manh. Với chương trình cho vay hộ cận nghèo đã thực sự gỡ khó cho cả gia đình và cán bộ làm công tác chính sách tại địa phương.
Còn đối với Ba Vì là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn thành phố chiếm xấp xỉ 10% tổng số hộ toàn huyện, cá biệt có xã khó khăn số hộ nghèo và cận nghèo lên tới trên 30% như xã Ba Vì. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với chính quyền địa phương trong việc đạt tiêu chí xã Nông thôn mới. Ông Đỗ Quang Trung - Phó Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết: “Thực tế kiểm tra ở nhiều xã trên địa bàn huyện cho thấy, đời sống bà con hết sức khó khăn nhất là ở các xã thuần nông. Người nông dân đối mặt với nhiều rủi ro bởi dịch bệnh ngày càng nhiều; sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp rất cần được trợ giúp vay vốn để phát triển sản xuất. Chương trình cho vay hộ cận nghèo thực sự đã thổi một luồng sinh khí đầy hy vọng cho những người dân khó khăn nắm lấy cơ hội thoát nghèo bền vững”.
Là xã đông dân nhất huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Phùng Văn Điền cho biết: “Mặc dù đời sống người dân ngày một khá, năm nào xã cũng có hộ thoát nghèo nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, dịch vụ đình đốn, thanh niên ở các khu, cụm công nghiệp không có việc làm về địa phương ngày một gia tăng. Trước đây nhiều gia đình thuần nông, có con cái đi làm ăn xa, mỗi tháng trợ giúp được dăm ba trăm để không rơi vào khó khăn, thì nay nguồn trợ cấp này cũng hết, con cái đi làm ăn ở thành phố quay trở lại nông thôn, đời sống thực sự khó khăn. Và với trợ lực của NHCSXH về vốn cho hộ cận nghèo, nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống từ đồng đất quê hương”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, chị Đàm Thị Thanh Loan, tổ 54 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, giọng nghẹn ngào phân trần: “Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, chồng ốm đau bệnh tật liên miên, nuôi 2 con nhỏ ăn học, mọi chi phí, sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào gánh hàng rong buổi chợ chiều. Ngày đắt hàng thì được 100.000 đồng, nếu không chỉ được 50.000 đồng. cuộc sống chật vật vô cùng”. Bà Đỗ Nguyễn Anh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Dịch Vọng Hậu cho hay: Trên giấy tờ, đúng là phường không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Nhà nước, nhưng thực tế trên địa bàn phường vẫn gần chục hộ khó khăn, túng bấn như gia đình chị Loan. Nhiều gia đình khó khăn, nhưng họ tự trọng không muốn mình là hộ cận nghèo mà chỉ trăn trở với chúng tôi, được vay vốn 20 đến 30 triệu đồng từ NHCSXH để có tiền thuê chỗ ngồi bán hàng, sắm thêm đồ nghề mưu sinh. Chúng tôi cũng muốn giúp hội viên nông dân được vay vốn để làm ăn nhưng xét về tiêu chí đối tượng chính sách thì không đúng, mà không có trợ giúp từ các hội, đoàn thể thì họ không thể bấu víu vào đâu. Vậy nên chương trình cho vay hộ cận nghèo ra đời, nhiều hộ đã mừng rơi nước mắt, họ như nắm được cơ hội vươn lên một cuộc sống tốt hơn.
Niềm vui nhân đôi
Một mùa xuân mới lại về, sau một thời gian được trợ lực từ đồng vốn ưu đãi, tiếp cận với những hộ cận nghèo đã được vay vốn thuộc huyện ngoại thành Hà Nội chúng tôi mới thấy hết được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi đón nhận chính sách ưu đãi này. Gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh có lẽ là một trong những gia đình điển hình của ngoại thành Hà Nội vượt khó được nhờ đồng vốn chính sách. Trước đây, gia đình chị thuộc diện nghèo, cuộc sống của hai vợ chồng và 2 đứa con phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Nhờ được vay vốn hộ nghèo nên gia đình đã thoát nghèo vào năm 2012. Trong ngôi nhà ngăn nắp, đã có thêm một vài vật dụng mới, chị Liên không giấu được niềm vui: “Đúng những lúc gia đình cần vốn nhất, NHCSXH huyện đã cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi hộ cận nghèo. Nhờ đó gia đình chị đã mua thêm được 1 còn bò sữa chuẩn bị cho khai thác với giá 60 triệu đồng. Giờ gia đình tôi đã có thu nhập 4 triệu đồng/tháng từ chăn nuôi bò sữa. Cuộc sống thay đổi từng ngày”.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Trần Thế Huy cho rằng: Thực tế những hộ cận nghèo trên địa bàn xã là những hộ cần được trợ lực về vốn nhất hiện nay, họ đang cần một chiếc phao mới để không tiếp tục lún sâu vào nghèo khó. Mức đầu tư cho vay 30 triệu đồng/hộ cận nghèo, bằng mức cho vay hộ nghèo là thấp, lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất hộ nghèo trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung đang giảm thì Chính phủ cần phải xem xét hạ hơn nữa, mức này vẫn là mức cao so với mặt bằng chung các chương trình tín dụng ưu đãi. Bởi thực tế, tình hình sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn hiện rất khó khăn, đầu ra bấp bênh, người nông dân lấy công làm lăi. Mong muốn của hộ cận nghèo là Chính phủ nên hạ lăi suất cho vay hộ cận nghèo xuống bằng chương trình cho vay giải quyết việc làm, đồng thời nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng lên 40 đến 60 triệu đồng/hộ. Có như thế các hộ mới có điều kiện cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh, vì năng lực tổ chức sản xuất của hộ cận nghèo đã và đang được cải thiện, họ được trang bị nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù
Đến nay, toàn thành phố đã giảm được 12.038 hộ nghèo, trong đó, khu vực nông thôn giảm được 11.416 hộ. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố đã giảm xuống còn 2,8%, trong đó khu vực nông thôn còn 4,08%. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc hộ nghèo giảm, thì số hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng với trên 42.000 hộ. Thực tế, nhiều hộ dù đã thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo luôn rình rập, chỉ cần một rủi ro, tổn thương là có thể quay lại tái nghèo.
Ông Nguyễn Kim Phung - Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội khẳng định: “Ngay sau khi Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, tính đến nay, toàn thành phố đã cho hơn 19.000 hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi với tổng vốn gần 400 tỷ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp để tín dụng chính sách ưu đãi sớm đến tay hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Mặc dù thành phố đã tăng thu, tiết kiệm chi để bố trí 850 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân vẫn chưa được đáp ứng, đi đôi với việc hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung ương và việc ban hành cơ chế mới nhằm tạo lập nguồn vốn lâu dài, bền vững là hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó, thành phố đã có Tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị: Trong trường hợp ngân sách của thành phố tạm thời chưa bố trí được vốn, Thủ tướng Chính phủ giao NHCSXH huy động nguồn vốn để thực hiện các chương trình của địa phương và thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách để cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH. Hy vọng sang năm mới 2014, những kiến nghị của TP. Hà Nội thành hiện thực, đây sẽ là một cơ chế hết sức đúng và sẽ có thêm hàng chục nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Bạch Thanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ấn tượng xã Phổ Thạnh
- » Hộ cận nghèo vui đón mùa xuân mới
- » Cổ tích thời nay trên đỉnh núi đá Tả Phìn
- » Phát triển kinh tế gia trại vươn lên làm giàu ở Quảng Ninh
- » Hiện đại hóa cùng INTELLECT CORE BANKING
- » Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả công tác quản trị ngân hàng
- » Tết về vùng rốn lũ
- » Phố phường cần sự hỗ trợ vốn chính sách
- » Thay đổi tập quán sản xuất
- » Xuân mới ở một làng quê Tây Nguyên