Hiện đại hóa cùng INTELLECT CORE BANKING

25/01/2014
(VBSP News) Là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên triển khai phần mềm ứng dụng Intellect Core Banking, mùa xuân này, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đang làm việc cùng một quy trình nghiệp vụ hiện đại, không khí đón xuân cũng có những đặc trưng khác hẳn với những năm trước đây...
Các cán bộ NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trao đổi nghiệp vụ về Intellect Core Banking

Các cán bộ NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trao đổi nghiệp vụ về Intellect Core Banking

Anh Nguyễn Quốc Tâm - Trưởng phòng tin học NHCSXH tỉnh Lâm Đồng ví von rằng: “Nếu những năm trước, ngày 01/01 dương lịch thường là ngày làm việc, được coi như ngày 31/12 kéo dài, cán bộ viên chức NHCSXH các huyện lên Hội sở NHCSXH tỉnh để nộp báo cáo và cùng tập trung giải quyết hoàn thành dữ liệu của cả năm… thì năm nay, tính chất công việc hoàn toàn khác. Với việc áp dụng chương trình hiện đại hóa tin học, mọi dữ liệu được cập nhật và nhanh chóng xử lý trên hệ thống, từng nhóm dữ liệu, những con số hiện hữu đã thể hiện những nội dung của cả một năm hoạt động, vừa tổng thể, vừa cụ thể, chi tiết…”.

Là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong những năm trước đây, Lâm Đồng được Trung ương đánh giá là chi nhánh có chất lượng dữ liệu khá tốt, tỷ lệ lỗi thấp, cán bộ vận hành đáp ứng yêu cầu, đặc biệt, chuyên đề tin học tại chi nhánh được Trung tâm Công nghệ thông tin và Ban dự án đánh giá cao… Trên cơ sở đó, Lâm Đồng cùng với Bắc Kạn, Hải Dương, TP. Đà Nẵng, Vĩnh Long và Sở giao dịch được chọn áp dụng thí điểm chương trình hiện đại hóa tin học, áp dụng phần mềm Intellect Core Banking.

Với đặc điểm của một phần mềm áp dụng cho cả phân hệ kế toán và nghiệp vụ tín dụng, Lâm Đồng bước vào công cuộc chuẩn hóa song hành: Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Với sự quyết tâm của Ban giám đốc, hệ thống thiết bị được đầu tư nâng cấp, lắp đặt hệ thống máy chủ chuyên dụng và hoạt động online 24/7, đảm bảo khả năng kết nối hệ thống. Toàn thể cán bộ, viên chức làm công tác nghiệp vụ đều tham gia tập huấn đều đặn để trang bị kiến thức, kỹ năng thao tác. Ngay từ đầu năm 2011, Ban chỉ đạo Dự án hiện đại hóa tin học của chi nhánh được thành lập, Phó giám đốc làm Trưởng ban cùng thành viên là các Trưởng các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Giám đốc các Phòng giao dịch. Công tác chuẩn hóa dữ liệu đã được tiến hành trong thời gian này. Thời kỳ thực hiện công tác chuẩn hóa là quãng thời gian các cán bộ, viên chức và người lao động cùng đối diện với khối lượng công việc vô cùng lớn. Đó là việc vẫn thực hiện các giao dịch hàng ngày, phục vụ nhu cầu khách hàng ở mức tốt nhất, đồng thời, định kỳ đều đặn gửi dữ liệu cũ được tổng hợp từ 12 đơn vị trên toàn tỉnh ra Trung ương, nhận thông báo lỗi và chỉnh sửa. Trong hơn 2 năm chuẩn hóa dữ liệu, việc ở lại làm đêm trở thành “chuyện thường ngày” đối với anh chị em công tác ở chi nhánh. Làm việc tại Phòng tin học, ngoài hai nhân viên là nam giới có lợi thế về sức khỏe, độ bền bỉ, nữ nhân viên tin học Phạm Thị Ngọc cũng đã chạy đua cùng tiến độ và khối lượng công việc để song hành cùng những quãng thời gian thử thách khá vất vả này.

Ưu điểm của Intellect Core Banking là quản lý dữ liệu logic, tập trung. Nếu như trước đây, hệ thống cũ tách rời các dữ liệu thông tin báo cáo; quản lý công cụ, vật liệu, tài sản thì hệ thống mới như một sự nhập cuộc mới đầy năng lượng, thay đổi “bộ mặt” cho hệ thống dữ liệu. Con người vận hành cùng hệ thống mới cũng có phong cách mới, tư duy làm việc mới. Với đặc thù của một ngân hàng phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trực tiếp đưa vốn đến với bà con ngay tại địa phương, nhất là tại các Phòng giao dịch có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng mà người dân có nhịp sống tương đối chậm hơn so với các vùng khác thì việc thao tác nghiệp vụ nhanh gọn, chính xác là yêu cầu thiết yếu đối với nhân viên ngân hàng khi làm việc trên hệ thống mới. Làm sao để dữ liệu hoàn thành đúng vào khung giờ quy định là trước 18h hàng ngày nhằm kịp chuyển về Trung ương, các cán bộ địa bàn đã lên phương án làm việc với từng ngày giao dịch. Nếu như khối lượng công việc lớn, hiển nhiên sẽ có phương án bố trí thêm máy, thêm người để hoạt động được vận hành nhịp nhàng và nhanh chóng hơn, trách nhiệm với công việc luôn được thể hiện ở mức cao nhất. Dù là trong mùa mưa dai dẳng của cao nguyên hay dưới cái nắng gắt trong những ngày mùa khô, công việc đều đặn diễn ra để vốn đến kịp với người thụ hưởng và số liệu chính xác được cập nhật.

Chị Ma Wel - nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vui mừng khi nhận vốn vay chương trình hộ cận nghèo. Từ nhà đi ra UBND xã là quãng đường rất gồ ghề, vương đầy bụi đỏ, băng qua những vườn cà phê đang mùa thu hoạch. Chị cho biết đã từng vay các nguồn vốn khác của NHCSXH và trong lần giao dịch này, chị cảm thấy nhanh chóng hơn so với những đợt giải ngân trước: “Cán bộ chuyển vốn nhanh và nhiệt tình lắm. Lần này về tôi sẽ tập trung nuôi bò sữa để nhanh trả vốn tới ngân hàng”. Theo con số thống kê từ NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, khi thực hiện trên hệ thống cũ, mỗi giao dịch hết trung bình 15 phút, nay đã rút ngắn chỉ còn 6 phút/giao dịch, đó là kết quả có thể nhìn thấy và nhận được đánh giá cao từ hàng chục nghìn lượt hộ đang giao dịch với chi nhánh. Đồng thời, đối với các hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, những nhịp cầu gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng thì khi áp dụng chương trình mới này, các quyền lợi được hạch toán cụ thể và nhanh chóng một cách tự động, chính xác.

Bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 7/2013, đến nay, hệ thống mới đã phát huy tính hữu dụng, đem lại lợi ích trong tất cả quy trình làm việc. Theo ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thì đây là chương trình đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, đào tạo cũng như bồi dưỡng kỹ năng và trách nhiệm làm việc của cán bộ viên chức và người lao động.

Mùa xuân mới đã gõ cửa từng nhà. Tốc độ làm việc của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng lại càng gấp rút hơn để vốn chuyển đến tay người dân kịp thời. Bước vào năm hoạt động thứ 11, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng là người bạn thân thiết với các đối tượng chính sách. Hơn nữa, hình ảnh của ngân hàng không chỉ thân thương mà còn hiện đại, một yếu tố tất yếu trong nhịp sống ngày càng đổi mới.

Bài và ảnh Hải Yến

 

NGÀY ĐẦU OFFLINE

(Kỷ niệm ngày đầu giao dịch xã trên chương trình INTELLECT của tác giả Ngô Quang Trung)

 

Ngày đầu giao dịch Offline,

Sao mà lo quá không ai chịu cười,

Phần thì giao dịch rối bời,

Phần thì dân hối rối bời ruột gan.

May thay cho cái ngày đầu,

Mọi việc đều ổn chỉ trừ máy in.

Đến khi quen hết mọi đàng,

Dân tình kéo đến lại càng đông hơn.

Dù cho cái thuở ban đầu,

Chỉ chưa quen việc, vẫn chưa hay làm.

Thời gian cứ thế dần trôi,

Từ từ rồi cũng xong thôi mọi điều,

Cá nhân, thu Tổ thật nhiều,

Kịp về upload cho người bình yên.

Dù cho công việc có nhiều,

Nhưng lòng cảm thấy thật nhiều niềm vui.

Mong rằng cho đến phiên sau,

Mọi điều trắc trở không nhiều bằng nay.

Anh em ai nấy vui vầy,

Thành công sẽ đến một ngày không xa!

Chúc cho anh em cả nhà,

Cùng nhau chung sức xây nhà Intell

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác