Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh Bến Tre
Ngày 16/4/2004 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện chiến lược nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2006, tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện nghiệp vụ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và được các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng đông đảo người dân đón nhận với tinh thần hết sức phấn khởi.
Qua 9 năm triển khai cho vay Chương trình tín dụng NS&VSMTNT, NHCSXH tỉnh Bến Tre đã giúp hộ dân sửa chữa, xây dựng mới 118.860 công trình, trong đó có 61.785 công trình nước sạch và 57.075 công trình vệ sinh. Kết quả trên đã góp phần từng bước giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Anh Nguyễn Văn Nhản ở ấp An Phú, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) nhớ lại: “Trước đây, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt chỉ dựa vào nước mưa là chủ yếu, những tháng mùa nắng muốn có nước ngọt phải dùng thuyền, ghe vận chuyển trên đoạn đường dài hơn 3km. Vì thiếu điều kiện nên việc giữ gìn vệ sinh môi trường của gia đình cũng như xóm làng không được đảm bảo. Năm 2007, gia đình tôi được vay số tiền 8 triệu đồng để xây dựng công trình hố xí tự hoại, giếng khoan và bể lọc nước, từ đó gia đình có nước sạch dùng, tránh xa được các bệnh thường gặp do nguồn nước bị ô nhiễm”.
Cũng giống như gia đình anh Nhản, hộ bà Nguyễn Thị Em ở ấp An Thới, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú thuộc diện hộ nghèo và được NHCSXH cho vay 4 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch, bà Em cho biết: “Nhờ có NHCSXH cho vay vốn nên gia đình đã xây dựng giếng khoan, bể lọc nước đến nay đã có nước sạch dùng, không phải dùng nước ao hồ nữa”.
Anh Nhản, bà Em chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn trường hợp tại tỉnh Bến Tre được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng Nông thôn mới, tạo tiền đề phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay đặt ra là mức vốn cho vay để xây dựng 1 công trình (4 triệu đồng) theo quy định không còn phù hợp vì tất cả các chi phí đều tăng so với trước đây, do vậy để có một công trình nước sạch hoặc vệ sinh môi trường đảm bảo tiêu chuẩn, người dân phải bỏ thêm vốn tự có hoặc vay mượn từ bên ngoài mới đủ chi phí để xây dựng. Để chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả cao hơn nữa, mạng lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Thời gian tới Chính phủ cần bố trí nguồn vốn và điều chỉnh mức cho vay tối đa của chương trình nhằm đáp ứng được nguyện vọng và niềm mong mỏi có nước sạch của người dân.
Bài và ảnh Nguyễn Văn Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nam Trực huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo
- » Việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer
- » Thống đốc NHNN làm việc tại tỉnh Quảng Bình
- » Thôn Ấp sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Người nghèo ở Đồng Việt với nguồn vốn vay ưu đãi
- » 16.000 phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Trà Vinh với việc cho vay HSSV
- » BẠC LIÊU: Củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn để phát huy hiệu quả đầu tư
- » Sóc Trăng những tháng cuối năm
- » Tín dụng ưu đãi góp phần xóa nghèo bền vững ở Bình Định