Hội CCB tỉnh Long An sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác
Hội CCB tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội CCB các huyện, thành phố, các xã/phường/thị trấn tiến hành làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyển chọn đội ngũ cán bộ Ban quản lý, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt tình với công tác… Thông qua công tác kiểm tra, giám sát làm cho việc quản lý, sử dụng, vốn vay và thủ tục vay vốn, thu nợ, nộp lãi ở các cơ sở hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Hội CCB đảm bảo đúng quy định. Tính đến nay, Hội CCB tỉnh Long An đã nhận uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt tổng dư nợ là 263 tỷ đồng, bao gồm 10 chương trình tín dụng ưu đãi là cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; HSSV có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; làm nhà ở vững chắc, xóa nhà tranh tre dột nát… với tổng số 16.490 hộ vay vốn.
Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, liên tục những năm qua, Hội CCB các cấp ở tỉnh Long An đã tổ chức được 368 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và các buổi tọa đàm theo chuyên đề về cách thức vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi vào sản xuất đến hàng chục nghìn lượt hội viên CCB, kết hợp hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác uỷ thác như giải pháp xử lý nợ quá hạn, bổ sung những văn bản chính sách mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý. Thông qua nguồn vốn ưu đãi do Hội CCB nhận uỷ thác với NHCSXH, đa số hội viên đã khai thác có kết quả rõ rệt đồng vốn vay, vượt lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Em ở xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng - chủ dự án nhóm hộ (20 hội viên CCB) đã sử dụng vốn vay của NHCSXH từ năm 2009 để nuôi bò vỗ béo. Đến nay, trang trại bò của ông Em đã có 20 con trong đó có 5 con bò sữa.
Ông Trần Văn Công - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Cần Giuộc vừa tích cực vận động hội viên mạnh dạn vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đồng thời, còn trực tiếp làm tốt công tác quản lý, giám sát nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Việc làm của ông đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể trong các Chi hội CCB và tăng dư nợ của Hội CCB huyện với NHCSXH hằng năm lên từ 12 - 14 tỷ đồng; đặc biệt, do Lãnh đạo Hội CCB huyện Thủ Thừa, trong đó: Ông Phó Chủ tịch hội đóng vai trò nòng cốt đã chỉ đạo thường xuyên công tác kiểm tra giám sát việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách ở các hội cơ sở, ở Tổ tiết kiệm và vay vốn và hội viên, nên tình trạng nợ quá hạn, vay ké hay xâm tiêu không xảy ra, việc trả nợ, nộp lãi trong hội viên CCB được thực hiện đúng kỳ hạn và đầy đủ.
Thông qua công tác uỷ thác nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên CCB ở Long An vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều gia đình CCB trước đây thuộc diện nghèo khó nay đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Cũng từ việc thực hiện dịch vụ uỷ thác, các cấp Hội CCB vùng đất phương Nam này đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng đại diện quyền lợi chính đáng của hội viên. Mặt khác, kết quả của công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi còn giúp cho NHCSXH tỉnh Long An hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi nhanh hơn và đến đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ninh Bình với việc cho vay giải quyết việc làm
- » Nguồn vốn đã được phát huy hiệu quả
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn
- » Xóa nghèo từ cao nguyên xa xôi
- » Làm theo cán bộ sẽ hết nghèo
- » Trang trại “giải quyết việc làm” ở Hưng Yên
- » Vốn vay giải quyết việc làm tiếp sức làng nghề
- » Điểm tựa cho sinh viên nghèo
- » Người nghèo nơi châu thổ sông Hồng được vay vốn ưu đãi
- » Phiêng Khoài đang chuyển mình