Chỗ dựa tin cậy của người dân vùng rẻo cao
Nhằm thoát dần khỏi tình trạng ấy, huyện Bắc Trà My đã xây dựng hàng chục chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hướng về cơ sở, trực tiếp hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành trên địa bàn huyện; NHCSXH được cấp ủy, chính quyền quan tâm ngay từ khi mới thành lập, đến nay qua 11 năm hoạt động đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhất là việc thu hút và sử dụng nguồn lực tài chính từ các chương trình tín dụng ưu đãi.
Liên tục thời gian qua, NHCSXH huyện Bắc Trà My đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành cũng như của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đề ra những giải pháp thiết thực trong thực hiện công tác tín dụng chính sách. Phối hợp với chính quyền các xã, các hội, đoàn thể thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả thôn, bản làm nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, kể cả vùng sâu, vùng xa, đường đi lối lại khó khăn nhất.
Tính đến 30/9/2013, tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi (kể cả chương trình cho vay hộ cận nghèo) của NHCSXH huyện Bắc Trà My đạt hơn 199 tỷ đồng, tăng hơn 23 lần so với khi mới thành lập. Theo đó, tất cả 80/80 thôn, tổ dân phố với 7.000/9.283 hộ dân toàn huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, bình quân mỗi xã có mức dư nợ từ 15 - 20 tỷ đồng; riêng thị trấn Trà My đạt dư nợ là 45 tỷ đồng bởi số lượng người được vay vốn nhiều hơn. Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tạo ra nguồn lực tài chính giúp người dân vùng cao Bắc Trà My chủ động mở rộng quy mô sản xuất, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trồng rừng, phát tiển đàn trâu bò lên tới hàng vạn con… Nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, nhiều hộ dân thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm ăn khá, trở thành gương sản xuất giỏi của xã, huyện. Điển hình là các hộ Trần Thái Hiền ở xã Trà Cốt, Nguyễn Đức Hà ở xã Trà Giang chỉ với từ 10 - 30 triệu đồng hỗ trợ của NHCSXH huyện Bắc Trà My mà có người nuôi vỗ béo được 4 con bò, có người trồng cả 10ha rừng keo, phủ xanh kín khu đất trống đồi trọc; hay như gia đình ông Hệ Văn Tác ở xã Trà Sơn, ông Trần Văn Biển ở thôn 2, xã Trà Giác, nhờ 8 triệu đồng vốn ưu đãi cùng sự giúp đỡ của dòng tộc, làng xóm đã làm được căn nhà mới vững chắc, để “an cư lạc nghiệp” trên vùng sơn cước. Già làng Nguyễn Văn Đông - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 4, xã Trà Giáp bộc bạch nói: “Tổ tiết kiệm và vay vốn chúng tôi luôn có hơn 100 lượt hộ vay vốn của NHCSXH. Được cán bộ NHCSXH và Hội Nông dân hướng dẫn, bà con dân tộc đã biết dùng đồng vốn vào nuôi trâu bò, trồng rừng, cấy lúa nước, cuộc sống bây giờ hết khổ rồi”.
Đúng vậy, thời gian qua, chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tích cực làm giảm bình quân mỗi năm hơn 100 hộ nghèo, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 1.000 lao động. Đến nay, vùng cao Bắc Trà My không còn người thiếu đói khi giáp hạt. Cùng với việc sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, là ý thức nộp lãi, trả nợ của các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu toàn huyện ở mức dưới 0,25% và luôn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng.
Để có được kết quả như trên, NHCSXH huyện Bắc Trà My đã liên tục nỗ lực hết mình, thực hiện những quy định của ngành, vượt mọi khó khăn, thách thức trong công tác và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, hết sức coi trọng thiết lập, củng cố mối liên kết giữa NHCSXH với chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo nên sự thành công của phương thức cho vay cũng như cách quản lý vốn vay trong mọi nơi, mọi lúc. Kinh nghiệm và thực tế đã chỉ ra ở rẻo cao Bắc Trà My do xây dựng được mối liên kết gắn bó, thường xuyên nên hoạt động của NHCSXH đạt kết quả thiết thực, vai trò và vị trí của công tác tín dụng chính sách cũng được khẳng định, thật sự làm điểm tựa vững chắc trong nhân dân, nhất là với người nghèo và đồng bào dân tộc.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phụ nữ Sơn Động sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả
- » Thực hiện tốt việc ủy thác cho vay tín dụng chính sách
- » Phát triển mô hình nuôi thủy sản trên đất trồng lúa
- » Đánh thức một vùng biên
- » Đẩy mạnh đưa vốn vay về vùng khó khăn để thúc đẩy sản xuất
- » Yên tâm thoát nghèo
- » Đào tạo Dự án phát triển ngành lâm nghiệp năm 2013
- » Khi nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả: Đói nghèo lùi xa
- » Hà Giang: Tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động
- » Bình Thuận chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số