Nghị lực thoát nghèo của nông dân Nguyễn Văn Dần
Anh Dần cho biết,sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhiều năm về trước là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình cũng như nhiều hộ khác trong thôn. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, vốn liếng vợ chồng có được lúc bấy giờ chỉ là sự cần cù, sức lao động cùng mảnh đất nhỏ bố mẹ cho để dựng một gian nhà ở tạm. Đất ít, hai vợ chồng cải tạo 3 sào ruộng, 500m2 thả bèo nuôi cá và trồng khoai lang, rau muống làm nguồn thức ăn xanh cho 1 con lợn nái, vậy mà cuộc sống gia đình năm nào cũng lâm vào cảnh thiếu ăn trong thời gian giáp hạt và nỗi lo kiếm đâu ra tiền để cho các con học tập cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của anh…
Năm 2010, gia đình anh được vay 30 triệu đồng. Với số tiền vay được, anh đầu tư 15 triệu đồng mua máy xay xát phục vụ nhu cầu gia đình và bà con quanh vùng; gần chục triệu mua 5 con lợn nái, sản xuất theo hướng hàng hoá. Trong câu chuyện kể về quá trình làm kinh tế, anh Dần bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu làm nghề, gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh dịch cho đàn vật nuôi nên đàn lợn mắc dịch bệnh mà chết. Trắng tay, nhưng anh không từ bỏ ý định vươn lên thoát nghèo. Để tiếp tục chăn nuôi, anh chăm chỉ học hỏi cách làm kinh tế từ các trang trại làm ăn có hiệu quả quanh vùng để tích lũy kinh nghiệm, thêm kiến thức. Đến năm 2012, gia đình anh vay thêm 20 triệu đồng từ NHCSXH để tiếp tục mở rộng sản xuất, áp dụng có hiệu quả vốn kiến thức sẵn có vào thực tế cùng sự trợ giúp, hướng dẫn trực tiếp của chính quyền địa phương và các hội viên tổ tín dụng trong cách lựa chọn con giống, vật nuôi. Anh chị chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc sau đó bán đi tiếp tục tái đầu tư mua lợn nái về chăn nuôi, bằng quyết tâm và sự chịu khó của mình. Hiện nay, gia đình anh có tổng đàn lợn trên 40 con, trong đó có 2 con nái đẻ, 38 con lợn hơi. Bình quân một năm, gia đình anh thu được từ mô hình sản xuất trên 50 triệu đồng. Ngoài việc chăn nuôi, anh chị tranh thủ thời gian nấu rượu, bán hàng tổng hợp để kiếm thêm thu nhập… Tuy chưa thể làm giàu, nhưng cũng đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những đợt tập huấn khuyến nông nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh ngày càng phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính sau một thời gian ngắn đầu tư, đã cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. Đến nay anh đã xây dựng được một ngôi nhà cấp 4 và có tiền đầu tư cho các con ăn học.
Gắn bó đời mình với mảnh đất quê hương, anh luôn tâm niệm chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, cái chính là phải có nghị lực và có vốn đầu tư để vượt qua khó khăn. Không chỉ học cách làm giàu, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân, anh còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều gia đình trong thôn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng kinh nghiệm trong cách chọn cây, con giống. Từ đôi bàn tay và ý chí quyết tâm làm giàu, gia đình anh Dần đã có cuộc sống khá và trở thành gương điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo.
Thùy Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp nông dân giảm nghèo bền vững
- » Giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay
- » "Điểm tựa" của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
- » Để vốn vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả
- » Hiệu quả từ công tác lồng ghép vốn và dự án
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí
- » Vốn tín dụng ưu đãi ở Đồng Nai: “Cần câu” của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Thường Xuân được vay vốn
- » Tăng cường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn