Quảng Nam: Khát vốn giải quyết việc làm và phát triển kinh tế
Điểm đầu tiên mà Đoàn công tác của NHCSXH do Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu khảo sát tại tỉnh Quảng Nam lần này chính là quê hương Cụ Huỳnh Thúc Kháng - xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.
Đúng như cái tên, Tiên Cảnh đẹp và nên thơ với những ngôi nhà rường, thác Lò Thung, cùng dòng sông Tiên và những con suối mơ màng uốn lượn quanh những triền núi bát úp nhấp nhô, cùng nhiều di tích văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, để có một Tiên Cảnh yên bình đang trên đà phát triển nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao hôm nay không dễ dàng khi 70% diện tích xã là đồi núi có độ dốc lớn, còn lại là vùng đất bằng và thung lũng ven chân núi, muốn khai thác đòi hỏi công sức và vốn lớn. Nhưng với dân nghèo, vốn luôn là yếu tố khó khăn khi bắt tay vào phát triển kinh tế. Cũng bởi vậy, khi nguồn vốn tín dụng chính sách có mặt ở nơi này chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào” với ngày càng nhiều chính sách, đáp ứng nhu cầu kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi đã ra đời từ nguồn vốn này và nhân rộng ra toàn xã, như: thâm canh cải tạo vườn, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như tiêu, bòn bon, măng cụt, dó bầu… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ cũng theo về cùng sự phát triển một số dịch vụ du lịch sinh thái với vùng lõi là Làng cổ Lộc Yên và di tích Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tiên Cảnh vì thế đã sớm cán đích nông thôn mới năm 2015. Hiện đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Lê Trường Hiền cho biết, Tiên Cảnh là xã có quy mô dân số lớn nhất huyện Tiên Phước; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 3,2% (81 hộ); tỷ lệ cận nghèo là 4,23% (107 hộ). Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đang hỗ trợ xã hướng tới xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, đã có 70 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn NHCSXH để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống với tổng doanh số cho vay đạt 3,8 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt hơn 38,5 tỷ đồng, tăng 791 triệu đồng so với đầu năm, số hộ còn dư nợ là 950 hộ. Bên cạnh giải quyết việc làm tăng thu nhập, nguồn vốn cho vay HSSV đã giúp cho trên 200 em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã có đủ điều kiện theo học tại các trường nhằm tạo nguồn nhân lực cho địa phương. 100% số hộ vay vốn chương trình NS&VSMTNT đã xây dựng được nhà vệ sinh, giếng nước, trong đó có 952 hộ đã vay vốn đầu tư gần 2.000 công trình giếng nước, vệ sinh đạt yêu cầu.
Không chỉ ở Tiên Cảnh, cùng với việc Chỉ thị số 40-CT/TW được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, nguồn vốn chính sách ngày càng phát huy vai trò là “trụ đỡ” quan trong trong giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại Quảng Nam.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam cho biết, đến ngày 16.5.2022, tổng nguồn vốn tại chi nhánh đạt hơn 6.042 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 488 tỷ đồng, tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 126% kế hoạch giao. Đây là nền tảng để chi nhánh mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến ngày 16.5.2022 đạt 1.064 tỷ đồng, với 22.844 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 5.957 tỷ đồng, tăng 404 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,27%, hoàn thành 65% kế hoạch giao. Một số chương trình tăng trưởng cao so đầu năm như: hỗ trợ việc làm 192 tỷ đồng, hộ cận nghèo 111 tỷ đồng và hộ nghèo 82 tỷ đồng.
Các chương trình tín dụng chính sách kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng dư nợ khá; quản lý an toàn nguồn vốn, giữ vững chất lượng tín dụng. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả; đã có 22.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 10.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn; tạo việc làm cho 7.458 lao động; có 19 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; giúp 350 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo 10.000 công trình nước sạch và vệ sinh; 70 ngôi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP,…
Đặc biệt, chi nhánh đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ khâu làm tốt công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ lãi suất và các chính sách tín dụng thực hiện theo Nghị quyết để mọi người dân nắm bắt thực hiện, đến việc phối hợp với Sở, ban ngành, chính quyền địa phương rà soát nhu cầu, xác nhận đối tượng vay vốn. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam cũng đã khẩn trương chuyển tải vốn kịp thời đến người dân theo tinh thần “ngay và luôn” của Tổng Giám đốc, song với kết quả cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP từ ngày 27.4 đến 16.5.2022 đã giải ngân được 69,4 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao, cụ thể: Chương trình hỗ trợ tạo việc làm 50 tỷ đồng, đạt 100%; Nhà ở xã hội 17,4 tỷ đồng, đạt 11,2%; HSSV mua máy tính và thiết bị học trực tuyến gần 2 tỷ đồng, đạt 28,3%.
Tuy nhiên, là địa phương đang trên đà phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới như Quảng Nam, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách khá lớn. Chỉ tính riêng nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (2022 - 2023) đã là 959,7 tỷ đồng, riêng năm 2022 nhu cầu là 445,6 tỷ đồng.
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị NHCSXH bên cạnh việc tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra năm 2021 bố trí thêm nguồn vốn vay giải quyết việc làm; tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, triển khai tích cực các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11.
Ghi nhận những khó khăn và các đề xuất của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tỉnh Quảng Nam trong chuyến khảo sát, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ đáp ứng đủ vốn để cho vay các chương trình chính sách của Chính phủ, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng các Chỉ thị, Kế hoạch mà tỉnh đã ban hành về tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, triển khai tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Văn Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
- » Dấu ấn công tác nghiên cứu khoa học trong nâng cao chất lượng hoạt động NHCSXH
- » Thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Trường mầm non, tiểu học dân lập được vay vốn lãi suất 3,3%/năm để duy trì hoạt động
- » Hộ nghèo DTTS được vay hỗ trợ nhà ở không quá 40 triệu đồng/hộ
- » Sóc Trăng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
- » Tiếp tục tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách tại Bạc Liêu
- » Chuyển biến tích cực chất lượng hoạt động tín dụng ở Kiên Giang