Vượt khó làm giàu

06/09/2023
(VBSP News) Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) “bén duyên” với nghề nuôi chim bồ câu. Từ sự cần cù, ham học hỏi, chị đã thành công với mô hình này, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
images762302_1a__2_

Mô hình nuôi chim bồ câu đem lại thu nhập ổn định cho chị Nguyễn Thị Phương, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh

Từ cách nuôi đơn giản
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Quảng Ninh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi chim bồ câu của chị Nguyễn Thị Phương, ở thôn Bắc Ngũ. Trại nuôi chim bồ câu của chị Phương nằm ngay trong vườn nhà, được thiết kế thành từng chuồng nhỏ để tiết kiệm diện tích. Chị Phương chia sẻ: “Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, kinh tế gia đình eo hẹp nên tôi luôn trăn trở tìm hướng đi khởi nghiệp để thoát khỏi “cái nghèo”, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp. Năm 2018, khi tình cờ biết đến nghề nuôi chim bồ câu, tôi mới định hình được cho mình hướng khởi nghiệp phù hợp, quyết tâm gắn bó và bước đầu đạt được những thành công nhất định”.
Thời gian đầu, vốn liếng ít, chưa có kinh nghiệm, chị Phương chỉ dám đặt mua 30 cặp chim bồ câu của một hộ dân trên địa bàn về nuôi. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng anh chị tự tay làm chuồng trại, tận dụng lúa, gạo trong nhà đề làm thức ăn cho chim bồ câu. Quá trình nuôi, chị dành nhiều thời gian học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi.
“Thời gian đầu, tôi rất lo lắng bởi bồ câu là loại chim nuôi thả tự do, tự kiếm mồi và xây tổ, giờ mình nuôi theo phương pháp nhốt chuồng có thể chúng sẽ khó thích nghi. Tuy nhiên, nhờ tích cực tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và nhân giống chim bồ câu từ một số mô hình nuôi trên mạng xã hội nên sau 3 tháng nuôi, chim bồ câu không bị hao hụt, sinh trưởng tốt và sinh sản lứa đầu tiên”, chị Phương cho biết.
Chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu các loại vitamin và khoáng chất. Thịt chim bồ câu được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi.
Năm 2019, chị mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi. Nhận thấy chim bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, chị đã nhân rộng lên vài trăm con mỗi năm. “Chim bồ câu có đặc tính hiền lành, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, lại có đầu ra ổn định. Quá trình chăm sóc bồ câu rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Một ngày chỉ cho chim ăn một lần, nguồn nước làm tự động, chim tự sà xuống uống. Và điều đặc biệt là chim bồ câu tự đẻ trứng, tự ấp và chăm sóc con, người nuôi không phải làm bất cứ điều gì trong quá trình nhân giống”, chị Phương cho hay.
Đến hiệu quả kinh tế cao
Nhờ khéo léo và vận dụng đúng phương pháp trong chăn nuôi, từ 30 cặp chim bồ câu bố mẹ ban đầu, đến nay, chị Phương đã xây dựng được 5 chuồng nuôi chim bồ câu với tổng đàn trên 600 con. Điều đáng nói là chị Phương chỉ mất tiền mua con giống ban đầu còn lại chị tự tìm hiểu và nhân đàn để nuôi, từ đó tiết kiệm nhiều chi phí và công sức.
Chim bồ câu của gia đình chị nuôi là chim bồ câu ta. So với bồ câu lai thì bồ câu ta có trọng lượng nhẹ hơn nhưng lại sinh sản tốt hơn. Một chim bồ câu mẹ nuôi sau 3 tháng là bắt đầu đẻ trứng, mỗi tháng đẻ 2 con và nuôi sau một tháng thì có thể xuất bán. Mỗi năm, 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ cho ra từ 10 - 12 lứa bồ câu con (2 con/lứa). Đặc biệt, người dân rất ưa chuộng chim bồ câu mới ra ràng nên chỉ cần nuôi bồ câu con trong một khoảng thời gian ngắn là có thể xuất bán. Trung bình mỗi tháng, chị phương xuất bán hơn 200 con chim bồ câu cho các thương lái trên địa bàn, với giá ổn định từ 80.000 - 100.000 đồng/cặp.
Bên cạnh bán chim bồ câu thương phẩm, chị còn bán bồ câu giống cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Nhờ nuôi chim bồ câu đã giúp gia đình chị Phương có thêm nguồn thu nhập ổn định với doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo chị Phương, để nuôi được chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Người nuôi cần lưu ý chọn những con bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi là dễ nuôi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, có ổ cho chim mái đẻ trứng và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Thức ăn của chim chủ yếu là lúa, gạo. Trong quá trình nuôi chim, tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng mà có chế độ ăn khác nhau, nếu chim trong thời kỳ sinh sản cần cho chúng ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin.
“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bồ câu thương phẩm của các nhà hàng và người dân trên địa bàn ngày càng nhiều, đặc biệt là vào những tháng cao điểm của mùa cưới. Trong khi đó, các mô hình nuôi bồ câu trên địa bàn còn ít. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân, tôi dự định sẽ vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng thêm chuồng trại với quy mô nuôi hơn 1.000 con chim bồ câu”, chị Phương chia sẻ.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bắc Ngũ, chị đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Lan Chi

Các tin bài khác