Câu chuyện thiếu vốn sản xuất, cũng như việc quanh quẩn một năm 2 vụ lúa rồi chẳng biết làm thêm nghề gì để có nguồn thu nhập là tình cảnh chung của không ít bà con nông dân nghèo ở tỉnh Trà Vinh hơn 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, cộng với sự hướng dẫn tận tình của các tổ chức hội, đoàn thể và nghị lực vươn lên của chính bản thân, không ít hộ nông dân nghèo ở tỉnh Trà Vinh đã vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu chính đáng.
Hơn một thập kỷ qua, 1.540 tỷ đồng đã được NHCSXH tỉnh Trà Vinh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể đưa đến tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác (ảnh 1). Nhờ nguồn vốn ưu đãi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Trà Vinh đã tập trung đầu tư trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, dừa, chanh, dứa và mở rộng cả việc trồng ớt chỉ thiên đem lại thu nhập cao, từng bước thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Thái ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo, ông đã mở rộng diện tích trồng bưởi, nay gia đình ông đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương và đang trở thành hộ giàu có trong ấp (ảnh 2). Hay như gia đình anh Tăng Minh Hạnh ngụ tại ấp Mé Rạch B, xã Đại An, huyện Trà Cú, cũng được vay vốn hộ nghèo từ năm 2012, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam. Vụ thu hoạch cam sai trĩu quả vừa rồi của gia đình anh cho thu nhập tới hàng trăm triệu đồng (ảnh 3).
Có thể nói, đồng vốn ưu đãi không những giúp nông dân nghèo như gia đình ông Thái, anh Hạnh vươn lên khá giả, phát triển mô hình kinh tế trang trại; mà nhiều hộ gia đình khác như bà Sơn Thị Nương ở ấp Nê Có, xã Song Lộc, huyện Châu Thành còn mạnh dạn vay vốn về trồng dừa. Ước tính mỗi tháng gia đình bà cung cấp cho thương lái khoảng 600 trái dừa, thu về khoảng 4 triệu đồng/tháng (ảnh 4). Còn nữa, với mô hình trồng chanh không hạt của ông Nguyễn Văn Hùng và trồng dứa xen canh của ông Nguyễn Văn Đệ ở ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là những hộ nông dân nghèo điển hình sử dụng đồng vốn hiệu quả, được bà con nhân dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm (ảnh 5 và 6). Trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có nông dân nghèo Thạch Chăm Pa ở ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa vay 15 triệu đồng từ 3 năm nay để trồng ớt chỉ thiên đã thoát nghèo và mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt cho gia đình (ảnh 7). Mong muốn của gia đình anh và các hộ thoát nghèo tới đây sẽ được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo để mua đàn bò về nuôi.
Đối với Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, tuy mới triển khai hơn 1 năm nay nhưng cũng đã trực tiếp giúp cho hàng nghìn hộ ở Trà Vinh có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững, điển hình như hộ cận nghèo La Văn Tú ở ấp Chánh Hội B, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần phát triển mô hình nuôi lươn trên bể xi măng. Từ số tiền vay 25 triệu đồng giữa năm 2013, anh đã phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm, cuộc sống của gia đình đã khấm khá phần nào (ảnh 8). Anh Lương Thiện Tâm ở ấp 16, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải vay 30 triệu đồng mở rộng diện tích mặt nước nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh 9 và 10). Bên cạnh đó, việc vay vốn hộ cận nghèo về chăn nuôi lợn của gia đình anh Tăng Thương ở ấp Bến Tranh, xã Định An, huyện Trà Cú (ảnh 11); mua bò giống của gia đình chị Kim Thị Minh ở ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (ảnh 12) và làm nghề đan chiếu (ảnh 13) của bà con nông dân xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, hy vọng sẽ giúp người dân ở Trà Vinh có cuộc sống ngày càng sung túc hơn.