Vấn đề hoàn thiện mô hình tổ chức của NHCSXH
Hơn thập kỷ qua, NHCSXH đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi thành lập, đến nay NHCSXH đang thực hiện tới 20 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ đạt 126.523 tỷ đồng, với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Điều này khẳng định đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đã được phát huy hiệu quả, NHCSXH đã triển khai hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo.
Với tư duy và cách làm sáng tạo, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình này đã dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập.
Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo.
Mặc dù NHCSXH đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như vậy, nhưng trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới mà Đảng, Nhà nước giao phó, NHCSXH cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động, hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển của NHCSXH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cho đến nay, mô hình tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của NHCSXH đã tương đối ổn định, hoạt động có hiệu quả, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Chính phủ giao, được các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao. NHCSXH thực sự trở thành công cụ hữu ích trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định xã hội của Chính phủ, là người bạn đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội, địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mô hình tổ chức hoạt động với sự kết hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khai thác được tiềm năng to lớn về trí tuệ, sức của, sức người của toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp giảm nghèo, thể hiện được bản chất tốt đẹp của cộng đồng xã hội Việt Nam đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời mô hình này cũng đảm bảo tính chiến lược lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững, có hiệu quả các hoạt động của NHCSXH.
Cơ cấu mô hình tổ chức gồm 3 cấp của NHCSXH (Trung ương, tỉnh, huyện) phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội đã giảm được nhiều lao động trong biên chế của bộ máy tác nghiệp vì có hàng vạn cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ chính quyền, cán bộ Ban giảm nghèo các cấp và gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia vào hoạt động của NHCSXH. Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức hội, đoàn thể không những phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội mà còn tiết kiệm tối đa chi phí và nhân lực cho NHCSXH và người vay vốn và từ đó tiết kiệm được chi phí của toàn xã hội.
Với mạng lưới hoạt động khắp các quận, huyện tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tăng cường được cơ hội tiếp cận đến vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mạng lưới này cũng đồng thời tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng trong thực thi các chính sách tín dụng. Nhờ vậy, đối tượng thụ hưởng được nhận vốn vay kịp thời ngay tại nơi cư trú, đúng chế độ chính sách, đúng pháp luật đồng thời lại tiết kiệm được chi phí. Phương thức tín dụng giao dịch trực tiếp với người vay tại điểm giao dịch xã, thực hiện công khai minh bạch có sự giám sát của chính quyền địa phương và cộng đồng đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với NHCSXH.
Hoàn thiện, quy trình nghiệp vụ ủy thác một số công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã theo hướng hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả công tác ủy thác. Xây dựng tiêu thức đánh giá kết quả công tác nhận ủy thác của hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn: đưa tổ thành một tổ chức quy củ, có kết cấu chặt chẽ và có tính kỷ luật hoạt động cao, kết hợp việc đánh giá phân loại hàng năm với đào tạo, tập huấn. Triển khai dịch vụ đào tạo, tư vấn về tài chính vi mô, nâng cao năng lực cho các tổ chức nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, đối tượng phục vụ.
Khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm ủy thác, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn có kiến thức cơ bản về: Quản lý tín dụng; kiểm tra, giám sát; phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tăng cường hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% để đưa tất cả mọi giao dịch hoạt động của NHCSXH về gần người dân nhất.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức hội, đoàn thể trong việc hỗ trợ Tổ tiết kiệm và vay vốn và khách hàng tại Điểm giao dịch xã. Hiện nay, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đa số thụ động trong việc hỗ trợ phiên giao dịch xã, mặc dù đây là một nội dung của công tác ủy thác. Cán bộ hội, đoàn thể có thể kiểm tra, hướng dẫn Tổ trưởng, tổ viên hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị bảng kê nộp tiền, nắm tình hình tổ viên, hội viên, tình hình dư nợ, tiết kiệm của các tổ để chuẩn bị cho cuộc hop giao ban.
Bên cạnh đó, cần thay đổi phương pháp bố trí bộ máy điều hành tác nghiệp cấp huyện theo địa giới hành chính theo kiểu dựa trên cơ sở mật độ khách hàng. Tại những tỉnh, thành phố, khu công nghiệp lớn và kinh tế phát triển, số lượng thụ hưởng chính sách không nhiều cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung kịp thời về cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành tác nghiệp ở các địa phương này theo mật độ khách hàng một cách kịp thời. Cụ thể: sáp nhập các Phòng giao dịch có mật độ khách hàng thấp và có không gian địa lý không quá xa nhau để tiết giảm chi phí giao dịch. Đồng thời phải bổ sung nhân lực cho những Phòng giao dịch có mật độ khách hàng lớn để họ có đủ nguồn lực thực hiện hiệu quả nhất các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Cuối cùng, cần chú trọng nâng cao hiệu quả chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện bằng cách xây dựng các tiêu thức đánh giá hoạt động của Ban đại diện huyện để đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động hàng năm.
TS. Trần Hữu Ý
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm: Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững
- » Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế