Tín dụng chính sách giúp người nghèo ở Hòa Bình làm giàu

13/02/2018
(VBSP News) Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Hòa Bình trong suốt 15 năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan, đoàn thể nhận uỷ thác và niềm tin, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Nhờ vậy, tín dụng chính sách xã hội nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc này đã thực sự là công cụ hữu hiệu, đóng góp quan trọng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Mọi thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước, chi tiết khoản vay được NHCSXH tỉnh Hòa Bình niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Bùi Văn Cửu cho biết: “Thực hiện các biện pháp đồng bộ như tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã, tiền gửi của người nghèo qua Tổ tiết kiệm và vay vốn và nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách tỉnh, huyện, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2003, với 106.146 hộ đang còn dư nợ tại NHCSXH tỉnh. Đặc biệt, do đẩy mạnh phương thức uỷ thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã; luôn xây dựng và củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động NHCSXH nên không những tạo ra dòng chảy kênh dẫn vốn tới 100% thôn bản trong toàn tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất của hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, mà còn giúp nguồn vốn được bảo toàn, phát triển, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Đây được coi là một trong nhân tố chính góp phần tăng nhanh tốc độ tín dụng chính sách và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3%/năm”.

Thực tế nguồn vốn tín dụng chính sách ở Hoà Bình những năm qua được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng với hệ thống 210 Điểm giao dịch xã của NHCSXH trải rộng khắp toàn tỉnh xuống tận các xã vùng sâu, vùng cao, vùng tái định cư thuỷ điện sông Đà. Hoạt động của Điểm giao dịch xã không ngừng được đổi mới, chuẩn hóa các dịch vụ ngân hàng như giải ngân, thu nợ, lãi, huy động tiết kiệm để người nghèo có điều kiện tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước và hiểu biết kỹ hơn những hoạt động của NHCSXH ngay tại nơi mình cư trú.

Đến Vầy Nưa - một trong 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng lòng hồ sông Đà, chúng tôi đã “mục sở thị” về Điểm giao dịch của NHCSXH huyện Đà Bắc. Cách thành phố Hòa Bình chừng 40km. Giữa hội trường rộng trong trụ sở  UBND xã, tổ giao dịch đã sắp đặt đầy đủ tài liệu sổ sách, máy tính, máy đếm tiền, camera cùng đông đủ cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao có mặt từ sáng sớm để họp bàn, vay vốn, trả nợ, nộp lãi vay tín dụng chính sách.

Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, Bùi Văn Kỳ cho biết: “Đồng bào ở Vầy Nưa đều vay được vốn ưu đãi rất thuận lợi nhờ NHCSXH mở các Điểm giao dịch xã. Người dân được vay vốn đã đầu tư thâm canh giống lúa, ngô lai, phát triển chăn nuôi đại gia súc và khai thác mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản. Nguồn vốn ưu đãi cơ bản giải quyết được yêu cầu bức thiết về nguồn vốn đối với hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Vì vậy, các gia đình đều sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình, trả nợ, nộp lãi vay đúng quy định.

Đơn cử ông Bùi Văn Lâm, người dân tộc Dao ở xã Vầy Nưa đã sử dụng 50 triệu đồng vay từ NHCSXH nuôi 10 lồng cá, thu nhập 200 triệu đồng/năm, trở thành hộ sản xuất giỏi cấp huyện.

Chị Lý Thị Thảo, người dân tộc Tày ở xóm Lau Bái xã Vầy Nưa phấn khởi nói chuyện với chúng tôi: “Nằm trong diện nghèo ở xóm, năm 2013, được Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm, gia đình tôi đã vay được vốn tín dụng ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã rất nhanh chóng, kịp thời mua 2 trâu sinh sản. Đến nay, đàn trâu, nghé phát triển lên 10 con với tổng giá trị khoảng 150 triệu đồng; nghề chăn nuôi đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, đời sống ổn định”.

Góp phần tạo bước chuyển động về tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hoà Bình trong 15 năm qua, cần kể đến cả vai trò Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh một mạng lưới 2872 Tổ tiết kiệm và vay vốn với chất lượng hoạt động đồng đều, trong đó có 2.571 tổ được xếp loại tốt và 2.637 tổ không có nợ quá hạn, chiếm 91,8% tổng số tổ; đặc biệt, hầu hết Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đều nhiệt tình, đủ năng lực quản lý kinh tế và tín dụng”.

Niềm vui của các hộ vay vốn của Tổ tiết kiệm vay vốn xóm Hải Phong, xã Tân Phong, huyện Cao Phong khi đồng vốn kết trái

Điển hình là Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Hải Phong, xã Tân Phong, huyện Cao Phong do chị Trần Thị Tám làm Tổ trưởng đã thường xuyên vận động, hướng dẫn các thành viên trong tổ mạnh dạn vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đầu tư phát triển vườn cây ăn quả đặc sản như bưởi da xanh, cam lòng vàng và thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng. Ba năm trở lại đây, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Hải Phong sử dụng hiệu quả nguồn vốn nên đã có 11 hộ thoát nghèo, 9 gia đình làm kinh tế vườn có lãi 200 triệu đồng/năm, đặc biệt không có tổ viên nào để nợ quá hạn hay chậm nộp trả tiền lãi ngân hàng.

Với kết quả nổi bật trong phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ở Hòa Bình đã và góp phần huy động nguồn lực tài chính, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Để hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, NHCSXH tỉnh Hoà Bình tiếp tục tập trung tạo lập, tăng trưởng nguồn vốn hoạt động, luôn nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, chủ động đưa Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống nhằm giúp nhân dân các dân tộc nhanh chóng thoát nghèo bền vững.

Đông Dư Lương Xuân thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác