Thông suốt hoạt động ngân hàng giữa đại dịch

23/07/2021
(VBSP News) Thời gian gần đây, cùng với ngành Ngân hàng trong cả nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực bảo đảm hoạt động luôn thông suốt, ổn định giữa cơn “bão dịch” mang tên Covid-19...
1618_15-84_Copy

Cán bộ NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ các suất ăn cho khu cách ly ở thị xã Hồng Lĩnh

Tăng cường công tác phòng, chống

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Trần Hữu Cần cho biết:Ngay sau khi Hà Tĩnh có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, NHNN tỉnh đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất tại chi nhánh, thực hiện luân phiên làm việc tại trụ sở và tại nhà để đối phó với dịch. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, triển khai thực hiện các kịch bản ứng phó khi dịch bùng phát trên diện rộng để đảm bảo hoạt động của đơn vị an toàn, thông suốt trong mọi trường hợp, kể cả khi tổ chức tín dụng nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội.

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định giãn cách xã hội TP Hà Tĩnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, văn bản chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, hệ thống ngân hàng tỉnh Hà Tĩnh đã siết chặt công tác phòng dịch tại các Điểm giao dịch với khách hàng.

Trong đó, quán triệt và chỉ đạo tất cả các cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thông điệp “5K” gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế; chủ động tự cách ly và báo cáo ngay với cơ quan y tế, đơn vị công tác khi có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh để được khám, điều trị kịp thời, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng, đơn vị công tác.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại trụ sở làm việc, nơi giao dịch theo chỉ đạo của chính quyền và cơ quan y tế địa phương; chủ động rà soát, thống kê các trường hợp đi, đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo thông báo của Bộ Y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế. Hạn chế các hoạt động, sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, điều kiện quy định và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Theo các tổ chức tín dụng khác tại Hà Tĩnh, trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp, căng thẳng, ngoài những cán bộ làm việc trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh đã bố trí cán bộ, người lao động làm việc từ xa, khuyến khích người lao động tải ứng dụng bluezone để cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19, nhằm chủ động trong mọi tình huống. Agribank Hà Tĩnh cũng đã tặng khẩu trang cho khách hàng khi đến giao dịch để đảm bảo an toàn. Đồng thời, hướng dẫn khách hàng thực hiện quét mã QR để khai báo y tế… Tương tự, để tăng cường công tác phòng chống đại dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh, khách hàng đến ngân hàng sẽ được ghi lại địa chỉ, số điện thoại, lịch trình di chuyển; được đo thân nhiệt, khử khuẩn trước khi vào giao dịch.

Trong khi đó, đối với các đơn vị nằm trong vùng bị cách ly, phong tỏa, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, có phương án làm việc an toàn, không ảnh hưởng đến hoạt động.

Cùng khách hàng vượt “bão dịch”

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã khuyến khích khách hàng giao dịch online nhằm giảm sử dụng tiền mặt cũng như hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng chống dịch bệnh. Nhiều đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan đại dịch.

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đồng loạt triển khai nâng cấp các gói dịch vụ trực tuyến với nhiều tiện ích hiện đại. Theo đó, khách hàng không cần trực tiếp đến ngân hàng trong mùa dịch mà vẫn đảm bảo được các hoạt động giao dịch, thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả… Ông Bùi Xuân Lâmở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh chia sẻ, thời gian gần đây ông đã ưu tiên sử dụng giao dịch trực tuyến qua ngân hàng để hạn chế ra ngoài, tiếp xúc chỗ đông người. Các dịch vụ thanh toán thông thường hằng ngày như, tiền điện, nước, điện thoại, đến các dịch vụ mua sắm online đều thanh toán tự động qua ngân hàng.

Đặc biệt, nhằm sát cánh với khách hàng cùng vượt qua “bão dịch”, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời phổ biến, quán triệt nội dung Thông tư 03/2021/TT-NHNN đến toàn thể các cán bộ, công nhân viên, người lao động của tổ chức tín dụng để nghiên cứu, nắm nội dung và triển khai thực hiện. Tổ chức rà soát, đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng do Covid-19. Từ đó, căn cứ các quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN và chỉ đạo của hội sở chính để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng phù hợp với mức độ thiệt hại và diễn biến của dịch bệnh… Các đơn vị cũng đã cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã chủ động tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng…

Kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều khả quan. Trong đó, đến ngày 31/5/2021 số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 359.430 triệu đồng với 570 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Số dư nợ được miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 71.020 triệu đồng với 188 khách hàng được miễn giảm lãi, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 654 triệu đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 12.533 tỷ đồng, cho 5.309 khách hàng, số tiền lãi được hạ 47.069 triệu đồng (mức giảm từ 0,05% đến 3,2%/năm). Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 31/5/2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay là 43.076 tỷ đồng, đối với 13.373 khách hàng (lãi suất cho vay mới thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 0,05%/năm đến 3,3%/năm)…

Đến ngày 30/6/2021, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh ủng hộ số tiền 13,33 tỷ đồng cho các hoạt động ủng hộ phòng chống Covid-19.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ các Quỹ phòng, chống dịch, chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung.

Nghi Lộc

Các tin bài khác