Nhanh chóng triển khai chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương
Phóng viên: Xin ông cho biết điều kiện để người sử dụng lao động tiếp cận được nguồn vốn vay này?
Trả lời: Người sử dụng lao động được vay trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh với lãi suất 0% và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay vốn dưới 12 tháng với mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng mức lương tối thiểu vùng của người lao động nhân với số người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm vay vốn (thời hạn tối đa 3 tháng trong thời gian từ ngày 01/5 đến hết 31/3/2022). Lãi suất nợ quá hạn 12%/năm. Người sử dụng lao động chỉ được vay vốn khi không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Riêng đối với trường hợp vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động phải đáp ứng các điều kiện sau: Tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/5 đến hết 31/3/2022; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng điều kiện vay vốn gồm: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 đến thời điểm đề nghị vay vốn.
Phóng viên: Điểm mới và khác nhau giữa Nghị quyết 42, Quyết định 15 ban hành năm 2020 và Nghị quyết 68, Quyết định 23 như thế nào, thưa ông?
Trả lời: So với Nghị quyết số 42, Quyết định số 15/2020 đã được ban hành năm 2020, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 có mức cho vay vốn cao hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn và thời gian thực hiện ngắn hơn. Điểm mới của Nghị quyết 68, Quyết định 23 là có chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh mà Nghị quyết 42, Quyết định 15 không có.
Về điều kiện vay vốn cho vay trả lương ngừng việc theo NQ 68, Quyết định 23 có nhiều điểm mới. Cụ thể: người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên (theo Nghị quyết 42, Quyết định 15 NLĐ phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên); không quy định doanh thu của người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (theo Nghị quyết 42, Quyết định 15 doanh thu giảm 20% trở lên); không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn (theo Nghị quyết 42, Quyết định 15 không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31-12-2019); mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ nhân với số NLĐ bị ngừng việc (theo Nghị quyết 42, Quyết định 15 mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động nhân với số người lao động bị ngừng việc); thời hạn giải quyết hồ sơ tối đa 4 ngày làm việc (theo Nghị quyết 42, Quyết định 15 giải quyết hồ sơ tối đa 5 ngày làm việc).
Phóng viên: Xin ông cho biết NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện chính sách này như thế nào?
Trả lời: Để kịp thời đưa chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vào cuộc sống, ngày 08/7, NHCSXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách vay vốn đến các chi nhánh tỉnh, thành phố. Ngay sau đó, NHCSXH tỉnh đã triển khai, tập huấn đến toàn thể cán bộ thực hiện cho vay theo đúng quy trình nghiệp vụ, đảm bảo các đối tượng đúng quy định đều được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ. Đồng thời, NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách này đến đông đảo người dân, đảm bảo tinh thần đúng đối tượng, công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả nhưng vẫn bảo toàn nguồn vốn.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dung
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ kịp thời phòng, chống dịch COVID-19
- » Tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7
- » Phước Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương
- » Hơn 29 nghìn lượt người nghèo ở Quảng Nam được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Đại Lộc vươn lên làm giàu
- » Như Xuân thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách
- » Đồng hành cùng hội viên phụ nữ trên con đường thoát nghèo
- » Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách
- » Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số
- » Đẩy mạnh hỗ trợ cho vay vốn trả lương để phục hồi sản xuất, kinh doanh