Thêm niềm vui cho vùng cao từ vốn ưu đãi

07/03/2019
(VBSP News) Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp các hộ đồng bào DTTS ở Yên Bái tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu.
Đồng bào DTTS ở Mù Cang Chải sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Đồng bào DTTS ở Mù Cang Chải sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Mù Cang Chải vốn nổi danh “3 nhất” của Yên Bái: đó là xa nhất, cao nhất và nghèo nhất, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng đông vui như ngày hội của bà con người H’ Mông xã Kim Noi đến Điểm giao dịch của NHCSXH huyện để họp bàn vay vốn ưu đãi. Tại đây, ông Giàng A Gia - Bí thư Đảng ủy cho biết: Thời gian qua, 6 bản và 325 hộ dân tộc H’Mông trong xã được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi đã mở ra cơ hội cho người nghèo có vốn chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Đồng vốn ưu đãi trở thành động lực chính thúc đẩy địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Mùa Chù Vàng sinh sống ở bản Rào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải cũng như nhiều hộ khác, gia đình anh quen với lối làm nương rẫy cổ xưa “chọc lỗ tra hạt” và cuộc sống nhiều thiếu thốn, đói cơm, lạt muối. Cách đây 5 năm, gia đình anh lần đầu tiên được tiếp cận đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH. Số vốn không lớn, chỉ 8 triệu đồng, nhưng đủ giúp anh chăn nuôi, trồng chè. Mới đây, gia đình anh được vay tiếp 30 triệu đồng của chương trình tín dụng hộ nghèo để mở rộng chăn nuôi. Hiện trong chuồng có 4 con trâu, 3 con bò sắp đẻ, trên đồi lên xanh mấy ngàn cây chè mới vào vụ thu hái. Có thu nhập, anh sửa nhà, sắm xe máy, ti vi…, cuộc sống đủ đầy hơn.

Ngoài gia đình anh Mùa Chù Vàng, xã Kim Nọi còn có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông khác nhờ nguồn vốn chính sách vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Đó là gia đình chị Mùa Thị Luyến hiện có 1ha cây sơn tra, đàn lợn thịt 12 con; hay hộ gia đình ông Sùng Chứ Cớ có 6 bò sinh sản, 6 trâu, đàn lợn 30 con, 2ha cây sơn tra, 2 đồi chè, 1 xưởng sản xuất chè với công suất 5 tạ búp tươi/ngày, đem lại doanh thu cả trăm triệu đồng/năm.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp các hộ nghèo, hộ chính sách là đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo. NHCSXH tỉnh Yên Bái hiện triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ các chương trình đạt 2.767,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi là 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng dư nợ, số hộ còn dư nợ là 49.769 hộ.

Qua kiểm tra thực tế, vốn vay được các hộ gia đình đồng bào DTTS đầu tư vào chăm sóc, cải tạo, trồng mới hàng trăm ngàn héc - ta rừng, trồng chè, cây ăn quả; mua trâu, bò lợn và gia súc, gia cầm khác; mua máy móc, nông cụ. Đồng thời, mở rộng hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới. Đa số các hộ vay đã được cải thiện đời sống nhờ nguồn vốn của chương trình. Nguồn vốn chính sách cũng giúp các hộ dân cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp các học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn gặp một số khó khăn nhất định, đó là việc quy định mức cho vay tối đa đối với các chương trình sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tối đa 5 năm không còn phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay do chi phí đầu tư vào sản xuất đã tăng cao, đặc biệt chi phí trồng trọt một số loại cây có giá trị kinh tế cao: quế, sơn tra, cây ăn quả đặc sản…

Một số lĩnh vực đầu tư chủ yếu như trồng rừng, chăn nuôi thì thời gian thu hồi vốn lên tới 7 - 10 năm và nhiều hộ vay vốn để làm nhà ở, làm công trình nước sạch với số tiền đã lên tới 50 triệu đồng nên rất thiếu vốn để đầu tư làm ăn. Số hộ khác muốn mở rộng chăn nuôi nhưng thiếu vốn để tăng đàn, trong khi hạn mức vay đã hết, nên chấp nhận vay vốn bên ngoài với mức lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để tháo gỡ những khó khăn trên; đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần ngăn chặn tác động của tín dụng đen, ngày 22/02/2019, HĐQT NHCSXH đã ban hành Quyết định số 12 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với mức tối đa lên tới 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm; hộ mới thoát nghèo, hộ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg) được vay mức tối đa 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: Quyết định 22 của HĐQT NHCSXH thực sự mở ra cơ hội cho đồng bào thuộc vùng DTTS, miền núi giúp bà con có đủ vốn để đầu tư vào các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng các phương án đang có hiệu quả và phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tới 10 năm cũng đảm bảo phù hợp với một số đối tượng đầu tư đặc thù và khả năng trả nợ của người vay.

Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Yên Bái tiếp tục kiên trì hoạt động theo phương châm “tất cả vì người nghèo” và “không để đồng bào dân tộc thiếu vốn”, phấn đấu tạo lập nguồn lực, tăng trưởng nguồn vốn, tập trung giải ngân, đổi mới phương thức đầu tư, hỗ trợ đầy đủ, kịp thời chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi dân tộc.

Bài và ảnh Nguyễn Đông

Các tin bài khác